Sáo hót từ muôn dặm xa
Cùng
với đoàn người chạy giặc đầu tiên ra hải ngoại, giới nghệ sĩ là thành phần quan
trọng nhất đã cưu mang dân nhạc Việt Nam đưa vào lòng thế giới.
Ở
đây chúng tôi trình bày một số hoàn cảnh “di tản dân nhạc” của các nghệ sĩ mà
do cơ duyên chúng tôi được biết về sinh hoạt riêng tư của họ.
Đây
chỉ là những nét khái quát, điển hình cho rất nhiều hoạt động của giới nghệ sĩ
Việt Nam đã may mắn “sổ lồng” bay vào các vùng trời tự do để tiếp tục công việc
trình diễn, phổ biến, phong phú hóa dân nhạc Việt Nam.
Nghệ
sĩ Lữ liên, một người chịu ảnh hưởng sâu đậm của ngành chèo cổ, các sáng tác của
ông thường mang tính cách trào phúng, hài hước, đã cho biết rằng “cái gia sản cổ
nhạc” cụ thể mà ông đem ra đảo Phú Quốc rồi leo lên tàu Mỹ là cây đàn cò mà ông
đã đặt làm ở Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, năm 1952.
Ông
Lữ Liên kể tiếp: “Tôi đeo hộp đàn trên lưng, từ chiếc xà lan leo thang dây lên
tàu Mỹ suýt té, những người thân trong gia đình còn cho mình là quê mùa nữa.”
Nhưng
cái gia sản tinh thần thì nghệ sĩ Lữ Liên đã đem theo đầy ắp trong tâm khảm.
Ông Lữ Liên nhớ được rất nhiều điệu hát ru của bà chị ruột ông là Ni Sư Lã Thị
Yến, từ lúc ông mới lên bốn, lên năm. Từ gánh hát chèo gia đình mang tên Hưng
Công là tên làng ông ở Hà Nam, cho tới những ngày tháng cộng tác với ban ca Bắc
của Văn Thuật. Nhớ được 36 giọng của các nghệ sĩ Kim Bản, Kim Nhung, Hồ Điệp.
Nhớ được tiếng đàn đáy độc đáo của hai tay đàn lừng danh là anh em ông Pháo,
ông Mã.
Ông
Lữ Liên tâm sự “tiếng đàn đáy nó lạ lùng lắm, tiếng đàn có lúc rất thanh nhưng
có lúc lại rất rè, đánh được cái thanh trầm, rè rè ấy mới là đạt tới nghệ thuật
của giới nhà nghề.”
Ông
Lữ Liên còn nhớ được cả các làn điệu ca Huế của các nghệ sĩ Vĩnh Phan, Bửu Lộc,
tiếng đàn cò của Chín Trích, đàn kìm của Sáu Tửng, các danh ca miền Nam như Năm
Phỉ, Tám thưa, Phùng Há… và ban cổ nhạc Thành Công.
Ngay
từ những ngày đầu tháng Năm 1975 khi vừa tới đảo Guam, cây đàn cò của miệt Lái
Thiêu đã được nghệ sĩ Lữ Liên mang ra sử dụng trong các cuộc họp mặt cuối tuần ở
nơi đất lạ cùng với Vũ huyến, Thúy Liễu.
Sau
này nghệ sĩ Lữ Liên còn ôm cây đàn cò đi trình diễn với nghệ sĩ Việt Hùng, Ngọc
Quí ở Los Angeles, với Hoàng Thi Thơ ở nhiều nước Âu Châu.
Gần
nhất trong dịp Tết Giáp Tuất (1994), nhạc sĩ Lữ Liên đã thực hiện cuốn băng cổ
nhạc trào phúng “Đánh Đu”. Ông nói: “Trong cuốn băng này tôi đã dùng nhiều làn
điệu của phường Chèo và mượn ý trào phúng của nữ sĩ Hồ Xuân hương để sáng tác.”
Ngày
8 tháng Năm năm 1975, tiếng hát dân ca của Sài Gòn được cất lên ở đảo Guam trên
Thái Bình Dương, đó là giọng ca Tuyết Hằng. Người nữ ca sĩ lưu vong này đã hát
bài Lý Con Sáo và một số bài khác trong
một thính phòng ở Guam, quy tụ trên hai trăm thính giả Mỹ. Tuyết Hằng hát thay
vì khóc vì nhớ bạn, nhớ nhà.
Tuyết
Hằng xuất thân từ trường Quốc Gia Âm Nhạc, là “đệ tử” của nhạc sĩ Hùng Lân, một
nhạc sĩ đã có một thời nghiên cứu về dân ca cổ truyền. Tuyết Hằng rất mê dân
ca, chọn dân ca làm chính trong sinh hoạt trình diễn nghệ thuật.
Là
trưởng ban của ban tam ca Đông Phương được thành lập năm 1970 gồm Thu Hà, Hồng
Vân, Tuyết Hằng. Ban tam ca Đông Phương chuyên trình diễn các bài dân ca cổ
truyền, đã làm cho giới sành điệu ái mộ. Sân khấu Đêm Màu Hồng đã ký hợp đồng để
ban tam ca Đông Phương trình diễn độc quyền cho họ.
Tới
định cư ở tiểu bang Pennsylvania, Lễ Độc Lập Hoa Kỳ năm 1975. Tuyết Hằng cất tiếng
hát trên một sân khấu ngoài trời của vùng Đông Bắc Mỹ. Từ đó, khi có cơ hội,
Tuyết hằng tiếp tục trình diễn để quảng bá dân nhạc Việt Nam.
Dù
có tên là Tuyết Hằng nhưng người ca sĩ này đã không chịu thấu những mùa tuyết
rơi, băng giá của Pennsylvania. Tuyết Hằng đã từ biệt Đông Bắc Mỹ về cư ngụ ở
Pasadena, California.
Tuyết
Hằng cho biết “ban tam ca Đông Phương một thời đã thành công là nhờ ở sự hợp
tác chặt chẽ của ba người ca sĩ, bây giờ Thu Hà đang hành nghề bác sĩ ở San
Jose, Hổng Vân ở lại trong nước.”
Một
điều đáng nhớ là cuốn băng dân ca của ban tam ca Đông Phương đã đoạt giải nhất
về dân nhạc trong một cuộc thi của nhiều nước Á Châu được tổ chức tại Đại hàn
năm 1971.
Trong
các tháng Năm và Sáu năm 1975, nhiều họ đạo Cơ Đốc ở Hawaii đã ân cần tiếp đón
nhạc sĩ Lê văn Khoa đến nói chuyện về dân nhạc Việt nam.
Nhạc
sĩ Lê văn Khoa năm nay 61 tuổi, sinh quán ở Cần thơ, là một nghệ sĩ đa năng
trong các sinh hoạt văn nghệ. Giáo hội Cơ Đốc của california đã giới thiệu ông
với các họ đạo Tin Lành Hawaii, vì thế trong những ngày đầu tiên tới Hoa Kỳ là
khoảng thời gian bận bịu nhất của ông Khoa trong việc giới thiệu dân nhạc Việt
Nam với những người bạn mới thuộc nhiều sắc tộc. Kể từ những khởi đầu đó, nhạc
sĩ Lê Văn Khoa là người đã có những nỗ lực thường xuyên trong việc đem các làn
điệu Việt Nam vào sinh hoạt nghệ thuật đa văn hóa ở Hoa Kỳ. Liên tiếp trong nhiều
năm qua, ông Khoa đã tổ chức các buổi trình diễn nhạc Việt Nam theo lối hòa tấu
ở một số tiểu bang Mỹ.
Một
điều đáng chú ý là trong mọi chương trình trình diễn, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã
dùng rất nhiều chất liệu của dân nhạc Việt Nam để soạn các liên khúc dân ca,
hay dùng những làn điệu dân ca làm nhạc đề cho các tấu khúc của dàn nhạc đại
hòa tấu.
Cũng
ngay từ tháng Năm năm 1975, tại trại tạm cư Pendleton, California, nghệ sĩ cải
lương Việt Hùng đã cất tiếng ca bản vọng cổ mang tựa đề là “Tâm sự người viễn
khách ly hương” của soạn giả Viễn Châu. Nghệ sĩ Việt Hùng năm nay 74 tuổi, hiện
cư ngụ tại El Toro, California, ông là người đã sống chết với nghiệp cải lương
từ 50 năm qua. Ông tâm sự rằng “Tôi còn sống và còn sức thì tôi còn ca hát, ca
hát để giữ gìn những sắc thái đặc thù của dân tộc Việt Nam bởi vì trong Cải
Lương đã chứa đựng không biết bao nhiêu thể điệu dân nhạc. Cải lương mãi mãi tồn
tại trong tâm hồn của quảng đại quần chúng Việt Nam. Cải Lương chính là tiếng
hát chất phác đầy tình tự của những tâm hồn bình dị.”
Trên
đây chỉ là những sự kiện cá biệt khởi đầu của các nghệ sĩ tị nạn cộng sản trong
rất nhiều khởi đầu của giới nghệ sĩ, nhưng phần nào các hoạt động đó đã mở ra cả
một sinh hoạt văn nghệ rộng rãi của lớp người tị nạn mà bây giờ đã trở thành một
yếu tố thực tế mang tính cách thế giới của dân tộc Việt Nam.
Trong
khi đó tại quê hương Việt Nam, vào những năm đầu cộng sản thống trị thì sinh hoạt
của giới nghệ sĩ dân gian đã bị nhà nước cộng sản dẹp bỏ hẳn.
Trường
Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn đổi tên là Nhạc Viện Thành Phố Hồ Chí Minh, cán bộ cộng
sản Quang Hải thuộc thành phần tập kết, đã được cử làm giám đốc nhạc viện này.
Riêng về ngành quốc nhạc, nhà nưóc vẫn để giáo sư Nguyễn Văn Đời làm trưởng
khoa Âm nhạc truyền thống với khoảng hơn hai mươi giáo sư thuộc giới nghệ nhân
để dạy dỗ “các con em thuộc gia đình cách mạng.”
Giáo
sư quốc nhạc Nguyễn Hữu Ba được nhà nước cộng sản điều qua Viện Nghiên Cứu Âm
Nhạc và ít lâu sau cho ông hưu trí. mọi hoạt động trình diễn văn nghệ đều do
nhà nước xã hội chủ nghĩa chỉ đạo.
Một
số lớn các nghệ sĩ ở niềm Nam thuộc thành phần quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì
đã bị đày đi các trại “cải tạo”. Đối với thành phần văn nghệ sĩ dân sự thì nhà
nước Việt Cộng năm 1976 đã mở cả một chiến dịch “Tiêu diệt biệt kích văn hóa phản
động, đồi trụy” vào các tháng Ba và tháng Tư năm đó. Trong đợt thanh trửng qui
mô này, nhà nước Việt Cộng có cả một danh sách trên 200 “đối tượng” thuộc các
ngành sinh hoạt nghệ thuật dân sự ở miền Nam, chỉ trừ một số nghệ sĩ nằm vùng
hoặc “có liên hệ tốt với cách mạng” là không bị bắt như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Thế
Nguyên, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn
khánh…
Ký
giả Như Phong Lê Văn Tiến hiện cư ngụ ở Santa Ana, California, là một nạn nhân
của đợt khủng bố này. Ông cho biết “tất cả anh chị em văn nghệ sĩ bị bắt vào những
nơi tạm giam, sau đó chuyển tới các khám Phan Đăng Lưu (Gia Định) và Chí Hòa
(Saigon) rồi mới phát vãng từng nhóm đi các trại cưỡng bách lao động.
Ông
Như Phong kể tiếp rằng “có khoảng 20 người được thả ra sau một năm tù, số văn
nghệ sĩ còn lại bị giam từ bảy đến 12 năm.”
Bốn
người con trai của nhạc sĩ Phạm Duy trong đó có Duy Quang, Duy Cường đã bị kẹt
lại trong nước. Họ đã biến căn nhà của gia đình ông ở cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú
Nhuận, làm trại nuôi heo, mà Duy Quang nói là “nuôi heo để tránh khỏi phải đi
kinh tế mới”. năm 1978, Duy Quang được đi đoàn tụ với gia đình ở Pháp, sau khi
tới Ba Lê, Duy Quang đã ca hát trở lại. Hiện nay Duy Quang ở Orange County,
California. Quang nói rằng “ba năm ở lại sống với chế độ Cộng Sản là một kinh
nghiệm sống quý báu để biết cái giá trị của tự do.” Duy Cường và hai người em
thì tới năm 1979 mới vượt biên bằng đường biển tới Mã lai Á, sau đó đoàn tụ với
gia đình ở California, Hoa Kỳ.
Nữ
ca sĩ Thái Thanh, một giọng hát hàng đầu tại miền Nam đã kẹt ở lại trong nước
10 năm. Trong suốt thời gian này Thái Thanh không một lần cất lên tiếng hát.
Thái Thanh đã cắn răng nuốt những bài hát mà chị yêu thích vào lòng như nuốt
trăm điều cay đắng về sự đổi đời của cả một xứ sở.
Tháng
Tám năm 1985, Thái Thanh theo chương trình ra đi có trật tự tới California, Hoa
Kỳ, đoàn tụ với gia đình và chỉ vài tháng sau khi thở không khí tự do, Thái
Thanh đã ca hát trở lại. Thái Thanh hiện cư ngụ ở Westminster, California. Chị
cho biết là những năm kẹt ở lại dưới chế độ cộng sản, chị không thể hát được,
“tôi thấy tất cả mọi thứ không còn gì thuộc về mình nữa nên tôi đã nín lặng 10
năm, những năm sau lúc tôi sắp bỏ nước ra đi thì có nhiều đoàn hát tới mời tôi
hợp tác nhưng tôi viện cớ là nhớ thương các con tôi ở nước ngoài nên quên hết
bài bản để từ chối cho xong chuyện.”
Thái
Thanh kết luận “tự do là điều kiện căn bản của cuộc sống con người, mất tự do
thì không còn hứng khởi để làm bất cứ chuyện gì được nữa.”
Đi
xa hơn nữa vào quá khứ, các trường hợp ray rứt của người nghệ sĩ miền Bắc cũng
vô cùng khắc khoải. Trường hợp điển hình là nhạc sĩ Văn cao, tác giả của bài Tiến Quân Ca được nhà nước cộng sản dùng
làm quốc ca. Tháng Tám năm 1981, trời Hà Nội vào thu đầy sương mù hiu hắt, nhạc
sĩ Văn Cao hẹn tiếp một vài nghệ sĩ trẻ miền Nam ra thăm. Nhà của Văn Cao lúc
này không ở “bên chiếc cầu soi nước”
mà ở gần ga Hàng Cỏ, Hà Nội.
Một
trong những người trẻ tới thăm nhạc sĩ Văn Cao hiện cư ngụ ở Anaheim,
California, kể rằng “nhạc sĩ Văn Cao ở trên lầu của căn nhà này, ở dưới là gia
đình khác, lúc chúng tôi tới thăm ông cụ thì gặp cảnh nhà đang được quét vôi trở
lại, nhạc sĩ Văn cao ngồi trong nhà uống rượu trắng với đậu phộng, đám trẻ có
người lên tiếng chà chà bác quét vôi lại
sạch sẽ quá, nhạc sĩ Văn Cao đáp tôi
đang bị người ta quét đấy.”
Trong
câu chuyện sau đó mọi người được biết sở dĩ nhà nước CS cho người tới quét vôi
nhà của nhạc sĩ Văn Cao vì có phóng viên Truyền hình Liên Xô sẽ tới phỏng vấn
ông về vụ nhà nước CS khi đó có ý định bỏ bài “quốc ca” của họ.
Nhà
nước CS đã yêu cầu nhạc sĩ Văn Cao tới tòa Đại sứ Liên Xô cho phóng viên truyền
hình phỏng vấn nhưng ông từ chối. Sau đó họ đề nghị nhạc sĩ tạm dời đến một biệt
thự sang trọng ở Hà Nội để tiếp ký giả nước ngoài nhưng ông vẫn từ chối. Cuối
cùng nhà nước đành phải cho người tới quét vôi lại căn nhà cũ để làm cảnh quay
phim.
Nhạc
sĩ Văn Cao lúc đó chỉ thích uống rượu và khi ông uống thì vợ ông từ buồng trong
hay chạy ra cản lại. Bà Văn Cao nói “ông đừng có uống lắm vào rồi nói bừa nữa
thì chỉ có khổ vào thân.”
Nhưng
nhạc sĩ Văn Cao trấn an “Bà biết rõ tôi biết xem tướng người, mấy cậu này trong
Nam ra chơi đâu có như bọn kia.”
Sau
đó qua các câu chuyện ở Hà Nội, người ta được biết rằng nhạc sĩ Văn Cao sau vụ
án Nhân Văn Giai Phẩm, đã bị quản thúc nhiều năm, trong thời gian đó ông luôn bị
công an theo dõi, có khi còn giả làm nhạc sinh hay cho người ái mộ để theo dõi,
lại còn tính để cho du đảng đánh ông để triệt hạ uy tín cá nhân ông nữa.
Nói
về nhạc sĩ Việt nam, ông Văn Cao phát biểu “trong giới nhạc sĩ Việt Nam chỉ có
hai người tôi nể là Dương Thiệu Tước và Phạm Duy.” Đề cập tới Tố Hữu, Văn Cao tỏ
ý miệt thị, còn Đỗ Nhuận thì ông chỉ tặc lưỡi cho qua.
Trong
vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có lên tiếng chỉ trích nhạc
sĩ Văn Cao, và từ đó hai người kỵ nhau, nhưng dư luận nói là hai ông không chơi
đòn bẩn để hạ nhau như những người khác ở Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát hơn
80 tuổi, đã qua đời cách đây vài năm, là một nhà mô phạm kín đáo hơn là một nghệ
sĩ.
Cả
hai nhạc sĩ lão thành Văn Cao và Nguyễn Xuân Khoát vẫn được giới trẻ nể trọng,
họ hay đến thăm để xin ý kiến, để học hỏi. Điều mà nhạc sĩ Văn Cao thường nhắc
nhở đám trẻ là “các cậu phải biết quý cái tự do, cái độc lập, đừng để mình rơi
vào khuôn khổ, trường phái nào cả, phải can đảm nói lên cái bản chất đích thực
của mình, tại sao lại sợ hãi, sợ hãi cả mình nữa thì còn làm gì được.”
Về
chuyện nhạc sĩ Văn Cao “mượn rượu tiêu sầu” đã gây thành một cái “mốt” của giới
“nghệ sĩ bất mãn”. Nhạc sĩ Văn Cao chỉ bóc lạc, uống rượu trắng chứ không thích
hành động như lời lẽ của bài Tiến Quân Ca
“thề phanh thây uống máu quân thù”, lời lẽ man rợ như vậy không thể là văn
phong của tác giả Thiên Thai. Ít năm
sau đó có anh cán bộ hô hoán trên báo rằng lời của bản Tiến Quân Ca là thơ của anh ta. Thật may mắn cho nhạc sĩ Văn Cao.
Chế
độ CSVN có truyền thống thích dàn cảnh để bịp bợm dư luận, không phải chỉ có nhạc
sĩ Văn Cao là nạn nhân trong vụ “quét vôi lại nhà ở” mà trước đó năm 1980, nhà
văn Đặng Đình Hưng, thân phụ của danh thủ dương cầm Đặng Thái Sơn cũng đã từng
nếm mùi cay đắng của tấn tuồng “dàn cảnh nhà cửa” để nói lên “sự ưu ái của chế
độ ta đối với nghệ sĩ”.
Năm
1980, nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đã được một nhạc sĩ Liên Sô của Viện Âm
Nhạc Tchaikovsky đặc biệt để ý. Ông nhạc sư người Nga này muốn đưa Đặng Thái
Sơn đi dự thi giải dương cầm Chopin ở Ba Lan. Ông này đã đề nghị với tòa đại sứ
CSVN ở Mạc Tư Khoa chính thức cử Đặng Thái Sơn đi nhưng tòa đại sứ đã từ chối.
Cuối cùng vị nhạc sư Liên Sô này phải đứng ra đở đầu cho Đặng Thái Sơn đi thi với
tư cách là một nhạc sinh của viện âm nhạc Tchaikovsky.
Với
tài năng nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đã đoạt giải Chopin, mang danh dự về
cho trường học, tới lúc đó Đảng và Nhà Nước Việt Cộng lại khai thác tên tuổi Đặng
Thái Sơn để tuyên truyền. Xưởng phim của chế độ đã dàn dựng cả một bộ phim tài
liệu để nói về sinh hoạt của danh thủ dương cầm Đặng Thái Sơn.
Nhà
văn Đặng Đình Hưng thân phụ của nhạc sĩ Đặng Thái Sơn lúc bấy giờ đang ở nhờ
trong gầm cầu thang nhà một người bạn, nhưng trong bộ phim tài liệu lại quay cảnh
một tòa biệt thự nguy nga, có vườn cây rộng rãi và giới thiệu đây là tư thất của
nhà văn Đặng Đình Hưng, gây cho khán giả xem phim nghĩ rằng chế độ Cộng Sản rất
lưu tâm và đãi ngộ xứng đáng những tài năng trong giới nghệ sĩ.
Trở
vào miền Nam, từ sau 1975, Việt Cộng đã cai trị với đường lối gay gắt, cứng rắn;
mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều do các cán bộ Cộng Sản từ ngoài Bắc vào chỉ
đạo, mặc dù bề ngoài vẫn dùng cái đám nhạc sĩ phản chiến trong Nam trước 75 làm
bình phong.
Ngành
nhạc của thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn họp hành, điều động các chiến dịch
sáng tác, trình diễn với đề tài tùy theo từng đợt, từng mùa rất khắng khít với
các nhu cầu giai đoạn của Đảng. Đám nhạc sĩ phản chiến trở thành một thứ công cụ
để tuyên truyền cho chế độ qua các đề tài ca tụng Đảng, tung hô lãnh tụ, cổ võ
các đường lối chính sách dập khuôn mẫu mực của Cộng Sản Quốc Tế.
Tới
năm 1977, Cộng Sản Việt Nam đem quân qua đánh Cam Bốt thì đám nhạc sĩ được gọi
là phản chiến trước 75 bây giờ bèn đổi giọng cổ võ cho chiến tranh, cho các điều
gọi là “nghĩa vụ quân sự”, “nghĩa vụ quốc
tế”.
Giải
thích về việc chế độ đã gạt bỏ thành phần nghệ sĩ miền Nam, một cán bộ cao cấp
của ngành “Văn Hóa” Việt Cộng đã phát biểu rằng “Nhà Nước Cách Mạng rất qúy trọng
văn nghệ sĩ vì họ là những hạt kim cương, nhưng chỉ tiếc rằng những hạt kim
cương của miền Nam đã bị dùng để lót ở cầu tiêu, đã bị ô nhiễm không thể dùng lại
được”. Dư luận từ phía dân chúng miền Nam đã trả lời ngay rằng “điều đáng tiếc
nhất là anh cán bộ cao cấp của Cộng Sản đã không biết rằng kim cương là một vật
thể miễn nhiễm, kim cương dù để ở đâu thì vẫn là kim cương, chỉ có loại kim
cương giả thì mới bị ô nhiễm”.
Về
phía văn nghệ sĩ miền Nam, kể từ năm 1975 đến nay thì một số người đã chết
trong các nhà tù Cộng Sản, một số khác qua đời vì bệnh, vì già. Số còn lại thì
kẻ trước người sau bằng nhiều cách đã bỏ nước ra đi để tìm tự do, trừ một số những
vị lão thành quyết định ở lại trong nước.
Tới
được các phần đất tự do rồi thì các nghệ sĩ Việt Nam lại đụng đầu ngay với các
thực tế khó khăn khác. Một số đông nghệ sĩ đã phải bỏ nghề cũ để kiếm sống bằng
nghề khác, vì người Việt tị nạn ở tản mát nhiều nơi, nghệ sĩ lưu vong không còn
sân khấu và khán giả để trình diễn thường xuyên nữa. Chỉ có một số rất ít sống
được với nghề ca hát nhờ vào khả năng và tài nghệ đặc biệt; còn số đông chỉ coi
việc sáng tác, trình diễn làm cái thú tiêu khiển, lâu lâu mới có dịp đi diễn.
Tuy nhiên vì trình trạng tiến bộ kỹ thuật của thế giới, các nghệ sĩ Việt Nam
cũng còn một thứ “sân khấu gián tiếp” để trình diễn ca nhạc, đó là thực hiện
các băng nhạc, video hay các CD. Sinh hoạt của ngành “sân khấu gián tiếp” này
vì lý do thương mại đã luôn luôn ồn ào và có lúc rơi vào cảnh lạm phát các loại
băng và video.
Nhiều
người quan ngại rằng sự lạm phát này sẽ làm giảm đi rất nhiều tính chất nghệ
thuật, nhưng có dư luận lạc quan lại cho rằng những sản phẩm nào thực sự mang
giá trị nghệ thuật thì sẽ tồn tại với thời gian.
Trình
bầy khái lược về sinh hoạt văn nghệ trình diễn ở hải ngoại là một điều rất khó
khăn vì khối người Việt tị nạn Cộng Sản ở tản mát khắp nơi trên thế giới.
Trên
một năm qua, chúng tôi đã phỏng vấn một số nghệ sĩ, cũng như sưu tầm các tài liệu,
sách báo nhưng trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi thấy còn quá nhiều thiếu
sót. Việc mô tả các sinh hoạt văn nghệ của người Việt ở hải ngoại chỉ có tính
cách khái quát mà thôi.
Ngô Đình Vận
Santa
Ana, California 1994