Lac Viet Humanistic Culture

Sunday, December 28, 2014

NGÔ ĐÌNH VẬN - CÂU CHUYỆN NHẠC TRUYỀN THỐNG / DÁNG DẤP CON SÁO


Bài viết này đã được đăng trên Tạp Chí Thế Kỷ 21
vào tháng Mười, tháng Mười Một năm 1994 và tháng Giêng, tháng Ba năm 1995.

Dáng dấp con sáo

Sinh mệnh của dòng dân nhạc Việt Nam, ở một số khía cạnh, đã giống như thân phận của loài sáo là loài chim mà ca dao Việt Nam đã có câu ví von “hót như sáo.”

Sáo không những đã hay hót mà lại hót hay nữa. Ở Việt Nam người ta có thể nghe được tiếng hót của loài chim này ở bờ tre, khóm chuối, bụi dứa, cành đa, vườn ổi… lúc sáng, ban trưa, buổi chiều, để nhận biết rằng nơi ấy, chỗ này đang bình yên, êm ả, vì sáo không thể hót ở những vùng bất an, đầy náo động được. Tiếng sáo hót lên là dấu chỉ của thanh bình, yên tĩnh.

Dân nhạc là hồn tính của cả một dân tộc trên suốt chiều dài của dòng lịch sử nhân loại. Ca dao, một thể loại quan trọng bậc nhất của dân nhạc Việt Nam, cũng có nhiều câu nói lên tính hay ca hát của người dân:

 “Hát cho chó cắn, bò lồng,
Hát cho con gái bỏ chồng mà theo.
Hát cho chó cắn, mèo kêu,
Hát cho ông lão trong lều bò ra.”

Hay là:

“Đố ai ngồi võng không đưa,
Ru con không hát anh chừa rượu tăm.
Đố ai chừa được rượu tăm,
Chừa ăn thuốc chín, chừa nằm chung hơi.
Có tôi chừa được mà thôi
Chừa ăn thuốc chín, chung hơi chẳng chừa.”

Tuy nhiên các đặc tính của cả người và chim cùng sống ở một xứ nông nghiệp hiền hòa ấy đã không thể tránh được cái thuyết “tài mệnh tương đố” mà thi hào Nguyễn Du  đã chọn làm chủ đề triết lý cho cả cuốn văn vần Đoạn Trường Tân Thanh tức là truyện Kiều với những câu mở đầu:

“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Có thể Trời ghen với cả người và chim nên dân Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu cuộc bể dâu trong kiếp sống. Những con sáo hay hót cũng dễ rơi vào cảnh bất hạnh vì loài người thích bẫy để bắt nó đem nhốt vào lồng. Quái ác hơn, người còn bầy ra cái trò chơi dạy cho sáo tập hót tiếng người.

Người đè sáo ra, cạy mỏ, bóp cho lè lưỡi rồi cạo lột, nhét ớt bắt sáo ăn rồi sau đó dạy cho sáo học “ngoại ngữ” với mấy câu xã giao như “lậy ông, lậy bà, lậy cô, lậy cậu…”

Người nước Nam cũng vậy, trải qua rất nhiều thời kỳ đã rơi vào cảnh đô hộ, do đó rất ít khi nói được, hát được, chính tiếng lòng của mình.

Người dân luôn bị rơi vào cái cảnh gian truân, sống sót được đã là may mắn lắm rồi, thì cái hồn tính của dân tộc ấy là dân nhạc có bị mất mát, suy trầm cũng là điều dễ hiểu.

Chim và người ở nước Nam có vẻ khắng khít với nhau trong nhiều tình huống. Dân chúng cả nước ưa ngâm, ưa lẩy Kiều vì thấy câu chuyện bi phẫn này có cái bóng dáng của chính đời mình trong đó. Truyện kể một người con gái tài sắc mà luôn phải chịu cảnh đọa đầy, luân lạc.

Trong khi các con sáo bất hạnh bị nhốt trong lồng chỉ tìm cách sổ lồng mà bay.

Lý con sáo là một bài ca ngắn, bình dân. Có người giải thích Lý có cái nghĩa là nói về, nói về chuyện con sáo:

Ai đưa con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa."

Câu chuyện thật đơn giản, không biết ai đặt ra. Dân ca làm gì có tác giả. Dân ca là sự đóng góp của đại chúng. Không có xuất xứ rõ rệt, chưa ai có thể tìm tòi cho ra cái gốc tích, ngọn ngành “Rằng Là” ai, ở đâu, gặp hoàn cảnh gì mà đã lý tới chuyện con sáo.

Căn cứ vào việc thấy miền Nam hay Lý lắm nên người ta đoán rằng Lý xuất phát ở miền Nam, miền Nam ở đây lại phải hiểu là phía Nam của nước ta thời Trịnh Nguyễn phân tranh, từ 1533 đến 1788.

Lý con sáo giản dị, ngắn gọn nhưng đã được phổ biến trên khắp cả nước Việt Nam, tùy theo địa phương, đã thêm bớt những chữ đệm vào để cho thích hợp với thổ âm và lối hát của từng vùng .

Có thuyết còn nói rằng bài Lý Con Sáo Quảng (Quảng Nam) đã được vua Quang Trung Nguyễn Huệ chọn làm bài hát quân hành để cho quân sĩ của ngài nức lòng trên đường di chuyển mau lẹ ra Bắc mà quên bớt mệt nhọc. Dân cả nước Nam từ lâu rồi đã khát khao Tự Do, Thanh Bình, có thể đây cũng là một nguyên do khiến bài Lý Con Sáo đã được phổ biến sâu rộng trong dân gian, truyền từ đời này sang đời khác.

Dư luận bình thường, khi lý về dân nhạc Việt Nam hay nói rằng cái di sản ấy lớn lắm, nhưng lại mất mát quá nhiều, và tới “giờ đây” chỉ còn lối hơn 100 thể điệu với cả ngàn bài dân ca lời lẽ khác nhau.

Công việc tìm tòi dân ca Việt Nam thật giống như cảnh đi tìm kho tàng báu vật với một con số phỏng định tượng trưng nhưng thực tế thì chỉ thấy còn vài chục thể điệu cho các bài hát cũ. Chẳng hạn Trống Quân chỉ có một thể điệu dùng để hát cho tất cả các câu thơ theo lối lục bát.

Thoạt nghe việc đi tìm kho tàng dân nhạc Việt Nam, ai cũng cho là đáng làm. Nhưng đi sâu hơn một chút thì quả là một vấn đề vạn nan, rắc rối. Lớp bụi dĩ vãng quá dầy khó tìm ra được chân và giả.

Nội mấy câu ru cháu thôi cũng khó mà biết được thế nào là đúng hay sai:

“Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con chuối con trê
Xách cổ lôi về cho cái ngủ ăn…”

Câu này đúng hay sai không ai có thể biết được, bởi vì trên sách vở đã có tác giả viết:

“…Bắt được mười tám con chắm, con trê…”

Con số 18 có ưu thế để cho cái ngủ ăn không hết nhưng lại có nhược điểm là cá chắm không ở đồng sâu mà nuôi trong ao.

Lại có sách ghi:

“…bắt được con cá trê râu…”

hay

“…bắt được con cá rô, trê…”

Ngay cả cử động của cái tay đưa cá về nhà cũng có nhiều khác biệt tùy theo tâm tính của người bắt cá và trình trạng sức khỏe của các con cá bị bắt! Có sách thì viết “túm cổ đem về”, có sách ghi “nắm cổ lôi về”, “Xách cổ đưa về.”

Câu nào là chính bản, câu nào là phụ bản, vả lại biết đâu tác giả của câu ru đó đã không có khuyết điểm. Cho nên cái việc “tam sao thất bản” là điều khó lòng tránh được.

Cụ Diệu Thư, 83 tuổi, quê ở Hải Dương, hiện cư ngụ tại Westminster, khi nghe chuyện tìm kiếm dân ca, đã đưa ra lời khuyến khích “việc làm này hay nhưng con đường thì hiểm hóc, gian nan lắm, không cẩn thận dễ bị rơi vào lệch lạc.”

Hiểm hóc, gian nan thế nào thì có chuyện cụ thể chứng minh ngay. Cụ Trần Thị Sương sinh năm 1912 tại Liễu Nha, Mỹ Lộc, Nam Định , bút hiệu Từ Phương, tác giả của một tập thơ và cũng là người em kết nghĩa của cụ Á Nam Trấn Tuấn Khải ngày trước, hiện ở Westminster, đã đưa cho chúng tôi một tập vở viết tay với 1161 câu ca dao, tục ngữ, rồi nói “chưa có hết đâu, tôi ngồi không, buồn nên viết lại…”

Cụ Từ Phương tiếp “chuyện ca dao đúng là hiểm hóc, khó khăn lắm.” Chẳng hạn như bài ca dao:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay.
Thoạt vào anh nắm cổ tay
Sao trước em trắng mà rày em đen.
Hay là lấy phải chồng hèn,
Cơm sống canh mặn nó đen mất người.
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi từ ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu,
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra…”

Bài ca dao này, bình thường thì có vẻ là một bài hát thuần túy huê tình, diễn tả sự đối đáp của một cặp trai gái bị rơi vào cảnh ngang trái, nhưng cụ Từ Phương lại cho biết ngay từ năm 1949, khi ở Hà Nội, cụ đã được đọc trong một cuốn sách ghi rằng bài ca dao này có gốc từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Đây là việc Chúa Trịnh (không rõ Chúa nào) thấy ông Đào Duy Từ vào Nam giúp Chúa Sãi nhà Nguyễn làm được nhiều việc lớn nên đã tiếc, bèn truyền cho một vị đại quan đặt ra các câu đồng dao dạy cho trẻ con hát mà dụ ông Đào Duy Từ trở về đất Bắc.

Ông Đào Duy Từ do đó cũng đáp lễ bằng cách làm lại đồng dao để trả lời Chúa Trịnh. Cuộc đối đáp bằng đồng dao rất thi vị này đem ghép lại thành một bài ca.

Chuyện “Trèo lên cây bưởi” còn tiếp nối khi phe Bắc đưa ra câu đồng dao đánh vào nỗi nhớ nhà của những kẻ tha hương với câu:

“Có ai về tới đường Trong,
Nhắn nhe bố Đỏ (họ Đào nên gọi là đỏ) liệu trông đường về,
Ham danh lợi bỏ quê quán tổ,
Đất nước người dù có như không.”

Tới nước này thì ông Đào Duy Từ phải quyết liệt, dứt khoát trả lời:

“Có lòng thì giã (tạ) ơn lòng
Anh đừng đến nữa mà chồng em ghen.”

Trên đây cũng chỉ là một thuyết về chuyện Trèo Bưởi mà thôi, có người cho rằng đem đối chiếu với văn phong của ông Đào Duy Từ có phần lạc giọng. Vậy biết thế nào là thực, là hư.

Lại còn cái giai thoại về bài ca dao đầy tính khêu gợi nữa:

“Lấy chồng từ thuở mười lăm,
Chồng chê tôi bé không nằm với tôi.
Đến khi mười chín, đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên gường
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn chân gường gãy một còn ba.
Ai về nhắn với mẹ cha
Chồng tôi nó đã giao hòa với tôi.”

Cụ Từ Phương nói rằng bài ca dao này đã được giới đi làm Cách mạng chống Thực dân Pháp giải thích là vào năm 1919-1920 các bậc tiền bối Tăng Bạt Hổ, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, và Nguyễn Thượng Hiền, lúc đó đang hoạt động ở bên Tầu làm ra. Nhóm bốn người qua Tầu vận động Tầu giúp Việt Nam từ 1915 nhưng Trung Hoa cứ lờ đi mãi tới năm 1919 thì Tầu mới ve vãn với nhóm này để mưu hợp tác chống thực dân Pháp ở vùng biên giới Hoa Việt, nhưng lúc đó cái “chân gường bị gẫy” là cụ Nguyễn Thượng Hiền đã mất ở bên Tầu.

Sở dĩ các cụ trong nhóm Cách mạng này phải đặt ra bài ca dao khêu gợi đó là nhằm mục đích tránh sự theo dõi của mật thám Pháp mà vẫn gửi được tin tức ở hải ngoại về cho các đồng chí ở quốc nội.

Giáo sư Lưu Trung Khảo hiện cư ngụ ở Newport Beach, cũng xác nhận với chúng tôi rằng “qủa thực tôi đã nghe được cái giai thoại này trong các giới hoạt động chính trị lúc trước.”

Tìm kiếm tài liệu dân ca Việt Nam về các mặt lịch sử, văn học, thể điệu, kỹ thuật… đều gặp khó khăn chẳng khác nào chuyện đi tìm cố nhân thất lạc:

“Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc đi tìm bể Đông.”

Thăm hỏi qua Houston, tiểu bang Texas, chúng tôi được giới thiệu để tiếp xúc với cụ Nguyễn Văn Hòa. Cụ Hòa 86 tuổi, quê ở Thái Bình, đã cho biết rằng “tìm kiếm dân nhạc làm gì, mất mát quá nhiều, đời tôi nhiều lần chạy giặc, có ngờ đâu về già lại phải lưu lạc ở cái xứ lạ quê người này.”

Nói là nói thế, nhưng rồi sau đó cụ Hòa lại khuyến khích cứ gắng làm đi, nhiều ngưòi làm thì biết đâu câu chuyện “con sáo” không có ngày mọc lại lông cánh mà bay.

Cụ Hòa tâm sự là trong thời Việt Minh chiếm Thái Bình, các loại dân ca, các loại hò hát, ở vùng quê của Cụ đều bị liệt vào loại ca hát phong kiến, lạc hậu, ăn bám sức lao động. Đường lối triệt để bài phong (bài trừ phong kiến) của Việt Minh đã giết hết những gì là Truyền Thống, nhất là cuộc Cải Cách Ruộng Đất từ năm 1954 đến năm 1956.

Theo cụ Hòa thì những gì gọi là dân ca, dân nhạc miền Bắc còn sống sót được ít nhiều là do cái tập thể di cư gần một triệu người miền Bắc đã đem vào miền Nam trong số đó phải kể đến thành phần Văn Nghệ Sĩ Cổ Nhạc.

Một nghệ sĩ Cổ nhạc nhà nòi của đoàn hát gia tộc ở Hải Phòng là ông Lữ Liên cũng di cư vào Nam dịp đó. Ông Lữ Liên, 77 tuổi, gốc Hà Nam nhưng sinh ra tại Hải Phòng , là người xử dụng nhiều loại nhạc cụ cổ như đàn tranh, đàn sến, đàn bầu, hiện cư ngụ ở Nam California.

Kể lại dĩ vãng của một nghệ sĩ cổ nhạc suốt đời lận đận theo đuổi tổ nghiệp, ông Lữ Liên nói “bàn tới dân ca, dân nhạc của mình thật đau lòng, gần như cổ bản không còn gì cả. Xứ sở chúng ta gặp quá nhiều cảnh tang thương, đã thế trong giới nghệ sĩ của ta lại có nhiều người vì lầm lẫn đã nhúng tay vào việc làm mất đi tính cách truyền thống.”

Ông Lữ Liên tâm sự “bây giờ chúng ta còn tìm đâu ra được một người biết chơi đàn đáy, một loại nhạc cụ đặc thù của ngành hát ả đào theo đúng tiết điệu cổ bản.”

Một trong những người lầm lẫn làm hại cho dân nhạc, dân ca lại là nhà sưu khảo kiêm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Ông Lữ Liên nói “ông Khoát sau thời kháng chiến đã từng tập hợp các bô lão lại để được nghe các vị tiền bối truyền cho các thể điệu, các cổ bản. Nhưng ông Khoát lại biến cải đi rất nhiều. Ông Khoát có sự lầm lẫn lớn là ông tưởng như vậy là bảo tồn được dân nhạc truyền thống nhưng làm như vậy đã khiến cho những gì là cổ bản, bị lệch lạc đi nhiều, từ đó các nhạc sĩ tân nhạc cứ dựa vào lối dân nhạc cải biên này và coi như đó là nhạc truyền thống của miền Bắc.”

Về hoạt động của các Văn nghệ sĩ Cổ nhạc di cư vào Nam, ông Lữ Liên cho biết thời đó chính sách của Đệ Nhất Cộng Hòa có nâng đỡ và khuyến khích việc bảo tồn cổ nhạc vì thế các ông Văn Thuật, Nguyễn Đình Tòng, Nguyễn Tiến Đức đã tụ họp được các nghệ sĩ cổ nhạc để có ba chương trình hát cổ bản trên đài phát thanh quốc gia, ấy là chưa kể tới nhiều chương trình cổ nhạc miền Nam nữa.

Tuy thế, theo ông Lữ Liên , vì hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc đó ồ ạt chạy theo trào lưu mới, phần khác ngành cải lương được dân chúng thích hơn nên các ban hát chèo, hát Bộ, ca Bắc, ca Huế, ca Nam theo cổ bản đã bị lấn át. Phần khác, vì vấn đề muôn thuở là kiếp người không qua khỏi được cái vòng sinh lão bệnh tử nên các nghệ sĩ cổ nhạc đã mất đi, đem theo cả di sản qúy báu của ngành nhạc truyền thống.”

Theo nhạc sĩ Lữ Liên “trải qua biết bao nhiêu tai họa của cả dân tộc, bây giờ người ta chỉ còn thấy những gì là dân nhạc truyền thống ngày ngày trôi vào dĩ vãng, mờ ảo như một hình bóng chập chờn…”

Ngô Đình Vận
Santa Ana, California 1994


(Còn Tiếp)




No comments:

Post a Comment