Tự Do “đưa con sáo sang sông”…
Trong
mọi cơn tai biến xảy ra cho dân nhạc Việt Nam thì “loài sáo” này luôn tìm về ẩn
náu trong tâm tư của dân chúng để sồng sót, tồn tại.
Không
một người Việt Nam nào không thuộc lòng một số tục ngữ , ca dao, vốn là cái gốc
của dân nhạc.
Ngay
trong cách nói của người Việt cũng thường dùng ca dao, tục ngữ để dẫn giải, ví
von cho câu chuyện thêm đậm đà, thi vị.
Đối
với nhiều người Việt thì hát cũng cần như thở. Truyền Thống Hát Ru là thói
quen, là nhu cầu của Bà, của Mẹ, của Chị đã bảo tồn, nuôi dưỡng được một phần lớn
cái di sản Văn Hóa Dân Tộc. Kho tàng quý báu này là một sự gạn lọc các tinh hoa
chứa đầy hồn tính, tình tự của cả một giòng giống truyền từ đời này sang đời
khác.
Đây
chính là ngành Khoa Học Nhân Văn chứa đựng đức tin, tôn giáo , triết học, thiên
văn, địa lý, nhân sinh quan của dân Việt gắn bó chặt chẽ với cái đạo làm người
giao hòa giữa Trời và Đất.
Từ
ba năm qua, khi còn ở Houston, Texas là lúc chúng tôi có ý định tìm kiếm, thăm
hỏi để viết một loạt bài về Khái Lược Tiến Hóa của Dân Nhạc Việt Nam, chúng tôi
đã chọn lối định nghĩa hai chữ Dân nhạc theo cách phổ quát bao gồm Cổ Nhạc (Nhạc
Truyền Thống Dân Tộc) và cả Tân Nhạc chịu ảnh hưởng từ cái gốc truyền thống Việt
Nam.
Do
đó một định nghĩa Dân Tộc Nhạc Học theo kiểu quốc tế khởi đầu từ Jaap Kunst,
người Hòa lan năm 1950 và tiếp đó là Claudie Marcel Dubois, người Pháp, Mantle
Hood, người Mỹ, Kishibe Shigéo, người Nhật, Chuang Pen Li, người Trung Hoa,
Kwabena Nketia, người Ghana… chỉ ảnh hưởng ít nhiều tới phần viết về cổ nhạc Việt
Nam (Nhạc Truyền Thống Dân Tộc) mà thôi.
Trước
năm 1954 thì các nghệ sĩ Việt Nam chính là thành phần chuyên chở dân nhạc từ miền
này qua miền khác nhưng các sáng tác hay các cuộc trình diễn của họ chỉ có tính
cách giới thiệu cái đặc thù của từng vùng trong một khung cảnh giới hạn.
Từ
cơn quốc biến 1954, đất nước bị cắt đôi, gần một triệu người dân miền Bắc đã phải
lìa bỏ quê cha, đất tổ để di cư vào Nam vì yêu chuộng Tự Do, thì sự giao hòa
dân nhạc của ba miền đất nước mới phát triển sâu, rộng trong sinh hoạt hằng
ngày của xã hội miền Nam Tự Do.
“Ai
đưa con sáo sang sông” mở đầu bài dân nhạc là một câu hỏi trống, không có sự trả
lời, nhưng trong hoàn cảnh của cuộc di cư năm 1954 thì cái việc “đưa sáo” miền
Bắc vào miền Nam chính là lý tưởng Tự Do. Tự Do đã đưa “con sáo sang sông”…
Sau
này, nhạc sĩ Phạm Duy đã diễn tả về cuộc chia lìa “đau đớn tới đứt ruột” của khối
người Bắc di cư bằng một câu hát ngắn gọn nhưng hàm súc, tiêu biểu:
“Hà Nội yêu quý không thể ngăn người,
Vì người đã ra đi theo Tự Do.”
Ngay
trong các trại tạm cư hồi 1954 tại Rạch Dừa (Vũng Tầu), Phú Thọ (Sàigon), Trường
Tiểu Học Chí Hòa (Saigon), chúng tôi đã được chứng kiến những người Mẹ, người
Chị hát ru cho trẻ ngủ bằng nhiều thể điệu của dân ca miền Bắc.
Nhiều
buổi tối từ nơi tạm cư là một góc phòng của Trường Tiểu Học Chí Hòa, chúng tôi
đám trẻ con di cư đã rủ nhau lân la ra các quán nhỏ ở chòm xóm này để mua nước
đá nhận, kẹo, bánh. Cả đám chúng tôi đã ngơ ngác khi thấy chị bán hàng xé phăng
tấm giấy bạc một đồng để gọi là “thối lại vì thiếu bạc cắc.” Khi trở về chỗ tạm
cư, chúng tôi đã ngừng lại, tò mò nhìn ngắm và lắng nghe một đám dân Nam tụ tập
ở hiên nhà gẩy đờn và ca vọng cổ.
Từ
các sự kiện cụ thể xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày đó lâu dần người Bắc, người
Nam trao đồi với nhau tất cả các phong tục, tập quán để miền Nam biến thành một
xứ hòa hợp phong phú, đa dạng trong tinh thần của câu ca dao cổ:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau
cùng.”
Năm
tháng trôi đi, xã hội miền Nam Việt Nam đã xứng đáng tiêu biểu cho sự hòa hợp của
người dân cả nước.
Từ
những buổi tụ tập ăn nhậu sau này cái thói kỳ thị địa phương đã biến đổi câu
chuyện “rau muống, giá sống, ớt hiểm” trở thành một trò đùa, một sự khôi hài chọc
ghẹo chứ không còn mang tính ghét bỏ nhau nữa vì mọi người đều ăn được cả.
Tiếng
hót” của các “con sáo” miền Bắc với những bài “Qua Cầu Gió Bay”, “Hát Hội Trăng
Rằm” đã hòa cùng các điệu lý, điệu hò của miền Trung, miền Nam để trở thành các
buổi trình diễn Dân Ca Ba Miền đa dạng được đại chúng yêu thích.
Lý,
Hò của miền Nam phong phú, chằng chịt như sông, rạch, đầm, đìa. Người dân đụng
nhằm cái gì thì Lý ngay cái đó. Lý hiền hòa, tình tự, đằm thắm không khác gì
các điệu Quan Họ Bắc Ninh. Lý tới độ con cua của đồng bằng Cửu Long phải bò lên
thưởng thức:
“Con cua huầy, nó ở huây a hang
í a dưới hang là í a dưới hang
Nó nghe huầy mà giọng lý huây a càn
í a kình càng là càng í a kình càng là bạn
bò lên.”
Những
sáng tác đầy giá trị nghệ thuật này là sự đóng góp không ngừng của đại chúng mà
người dân Việt ở bất cứ nơi đâu cũng phải nhìn nhận cái hay, cái đẹp của nó.
Tuổi
thanh xuân thì trai trẻ bất cứ ở miền nào đều đã từng nếm mùi “ngọt ngào, cay đắng”
của tình ái. Có thể chỉ có các bậc chân tu mới thoát khỏi lưới tình, mới thoát
được các tác động thừa thãi, vụng về như “bứt một ngọn cỏ,” “vân vê tà áo” hay
là:
“Dơ tay mà ngắt cọng ngò
thương em muốn chết giả đò ngó lơ.”
Hơn
thế nữa, người dân cả nước đều biết rõ rằng gái Bắc Ninh, nổi tiếng một thời là
bạo dạn, hay hò hát trêu ghẹo trai tráng lạ mặt đi qua vùng họ. Ở miền nào thì
cũng có các thiếu nữ lẳng lơ, lãng mạn nhưng lại thông minh, tinh quái rất đáng
quyến rũ theo kiểu:
“Gái đâu có gái lạ đời
Chỉ còn có một ông giời (Trời) chưa
chim.”
Chanh
chua, ngoa ngoắt cũng dễ thương không kém:
“Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.”
Đi
sâu vào miệt vườn Vĩnh Bình, người ta còn nghe được cả điệu hò đầy vẻ “sách nhiễu
tình dục” nhưng cũng không kém thú vị, thanh tao:
“Hò ơ, mãn mùa rồi, ờ ơ con cá cà cửng,
nó nhảy tửng lên bờ, em ơi tử du táng địa, ơ mờ anh xin chôn nhờ miếng đất em.”
Bị
“quấy nhiễu” táo tợn như thế, nhưng lời “phá phách” lại tỏ ra có văn phong nên
lời hò đối lại cũng chẳng kém thông minh để mà “trừng trị.” Phe hò đáp lại đã
phản ứng tức thì chứ không phải đợi ra điều trần hay đâm đơn đi kiện như tình cảnh
của các kiều nữ Anita Hill, Paula Corbin Jones của xứ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Phe
hò đáp lại cũng văn hoa nhưng không kém khốc liệt, hò đối lại rằng:
“Hò ơ, miếng đất của em, tả thanh long,
hữu bạch hổ có lỗ sẵn ơ dành ơ. Anh ơi, anh chôn vô đó ơ mà đặng nối dòng tổ
tiên ơ.”
Câu chuyện
đang ở tình cảnh bờm sơm thoắt “chuyển sang” nghiêm trang, đàng hoàng vì đụng tới
hai chữ Tổ Tiên mà tập tục của người Việt Nam một lòng tôn kính.
Trở
về dĩ vãng, những đứa bé được ru bằng làn điệu miền Bắc di cư dần dần trưởng
thành trong xã hội miền Nam.
Sự
hòa hợp của người dân một nước đã đi tới chỗ tốt đẹp, không thiếu gì các cuộc
hôn nhân của người vùng này lấy người xứ khác. Chúng tôi đã từng được chứng kiến
các gia đình chồng Bắc vợ Nam hay ngược lại.
Sự
hòa hợp người dân một nước đến độ tuyệt hảo như trưòng hợp của gia đình người bạn
tôi tên là Nguyễn Văn Giáp gốc Hà Đông lấy vợ là chị Võ Thị Hường ở Hốc Môn.
Khoảng
năm 1971, chúng tôi đã được nghe chị Hường ru cháu bé bằng các bài ru con miền
Nam:
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ vừa năm…”
Để rồi
chuyển ngay qua điệu Cò lả của miền bắc:
“Con cò cò bay lả, lả bay la,
Bay ra ra cửa phủ bay vào Đồng Đăng…”
Chị
Hường còn ru cháu nhỏ bằng câu hát:
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…”
Vì
là chỗ thân tình, trong bữa ăn tối sau đó, chúng tôi đã hỏi chị là tại sao lại
ưa ru con bằng làn điệu Bắc. Chị Hường rơm rớm nước mắt, tâm sự “Bị bà nội cháu
thương tui như con ruột, lúc còn sống nội rất yêu các cháu thường ru như thế,
bây giờ nội mất, tui nhớ nội, tui ru con nhỏ bằng bài ru của nội.”
Đây
là một trường hợp trong nhiều hoàn cảnh hòa hợp đầy cảm động.
Bài
ru “Cái Ngủ” thật ra từ lời lẽ, làn điệu không có gì đặc sắc nhưng nhiều bà vẫn
dùng nó để ru cháu, ru con.
Chị
Nguyễn Thị N. gốc Nam Định là bạn học của tôi khi mới học trung học, sau này là
Giáo sư Việt Văn ở Biên Hòa, chị N. lấy chồng gốc Saigon vẫn ru con bằng bài
“Cái Ngủ.”
Chị
N. phát biểu rằng “cả đời tôi có đi cấy bao giờ đâu nhưng mẹ tôi đã ru như thế
nên tôi quen miệng ru theo, có lẽ cái hay của bài hát này nằm ở mặt tình cảm, kỷ
niệm…mẹ tôi kể cách đây trên 100 năm bà tôi là cái ngủ rồi truyền chức cái ngủ
cho mẹ tôi, truyền tới đời tôi rồi con tôi nữa…Cái ngủ hay ở chỗ lúc nào cũng
bé bỏng, đáng yêu… trăng bao nhiêu tuổi trăng già… cái ngủ chẳng bao giờ già được,
cái ngủ thường mơ ngủ mỉm cười, xinh lắm.”
Đất
nước Việt nam nếu đã phải chịu cảnh tang thương đầy dẫy bom đạn vì chiến tranh
thì ở trong cái nếp sinh hoạt hằng ngày cũng tràn đầy thương yêu, tình tự.
Tới
tháng 4 năm 1975, một tai họa khác lại xảy ra đối với dân tộc Việt nam, Cộng Sản
xâm chiếm cả nước, một số dân chúng miền Nam may mắn được di tản trước ngày 30
tháng Tư 1975.
Cái
hình ảnh tang tóc của chiều ngày 30 tháng Tư 1975 khi Tự Do bị bức tử ở Việt
nam là cái hình ảnh ghê rợn không bao giờ chúng tôi quên đưọc.
Chiều
hôm ấy mây đen u ám bao trùm khắp vùng Saigon, chúng tôi như kẻ mất hồn lội bộ ở
khu Ngã Ba Ông Tạ, khi ngẩng mặt nhìn lên bầu trời xám đục thì đụng ngay cả một
mái tóc rất dài của một phụ nữ treo lơ lửng, vật vờ trên hàng dây điện ở giữa
đưòng Lê Văn Duyệt. Mái tóc ấy bị gió thổi bay lõa xõa đầy vẻ ma quái, những
ngưòi ở khu vực này cho hay quân CS đã pháo trúng một chiếc xe Lam, chở nguyên
một gia đình chạy loạn.
Cả một
bộ sọ cùng mái tóc dài tha thướt của nạn nhân đã bị sức mạnh của trái đạn bốc
lên mắc kẹt vào sợi dây điện giăng ngang đường phố.
Mái
tóc vướng lại trên cao bị gió thổi phất phơ, rũ rượi, đó là cái hình ảnh ma
quái, chập chờn trôi dần vào bóng tối của một buổi hoàng hôn mà Tự Do đang hấp
hối tại Việt Nam.
Bên
dưới cả đám dân chúng đổ ra đường bàn tán xôn xao y hệt một đàn kiến vỡ tổ mà
phần đông là những cái xác vô hồn vì tinh thần của chúng tôi đã phải chịu đựng
một sự sụp đổ khốc liệt trong hoang mang, tuyệt vọng.
Về
sau này, qua các cuộc tiếp xúc với những người thân thích ở Hưng Yên, ở Hà Nội
vào thăm miền Nam thì chúng tôi được biết thêm rằng rất đông những người dân đứng
tuổi ở miền Bắc đã bật khóc trong ngày Cộng Sản chiếm nốt miền Nam.
Dân
chúng khóc cho Tự Do cũng là khóc cho sự thất vọng của chính đời mình trong lúc
Đảng và Nhà Nước Cộng Sản huyên náo cổ võ cho “Đại thắng mùa xuân.”
Đảng
nhạc đã tức thời thay thế cho Dân Nhạc. Nhạc sĩ trịnh Công Sơn lên đài phát
thanh cùng hát với cả đám “cán bộ 30” bài “Nối vòng tay lớn.” Nhưng dòng tiến
hóa của dân nhạc đã không ngừng nẩy nở.
Vài
ngày sau dư luận trong dân gian đã phản ứng lại mãnh liệt. Chữ “Đại thắng lợi”
được đọc lái là “Đợi thắng lại” chữ “Saigon giải phóng” được nói ngược là
“Saigon phỏng giái”, câu hát “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng’ được dân
nhái lại là “như có bác Hồ trong nhà thương Chợ Quán” (nhà thương điên). Bài Nối
Vòng Tay Lớn có lời đổi lại là “từ Bắc vô Nam tay cầm cái roi, một tay cầm sợi
giây để bắt con cầy.”
Kể từ
1975 trở đi, cái giá Tự Do mà dân chúng Việt Nam phải trả là cái giá đắt nhất
vì người tị nạn đã phải đánh đổi bằng chính mạng sống, sự nguy hiểm, điều ô nhục
của đời người để tìm cho được cái đáp số của bài toán nan giải “chết hay là được
sống tự do.”
Đi
tìm tự do bằng đủ mọi phương cách, nhiều chục ngàn người đã chết trên biển cả,
trên những con đường mòn vượt biên giới sang đất Cao Miên, sang đất Thái lan.
Nhiều chục ngàn người đã là nạn nhân của Hải tặc ở Đông Nam Á hoặc là nạn nhân
của các lực lượng dã man thuộc các phe phái Khmer.
Cho
tới nay con số Tị Nạn Cộng Sản Việt Nam may mắn sống sót, định cư ở khắp các nước
Tự Do trên thế giới đã lên tới trên một triệu người.
Trên
một triệu người Việt tị nạn Cộng Sản đã đem theo tất cả cái vốn liếng Văn Hóa
Dân Tộc mà họ có được, bao gồm kiến thức, những bài dân ca thuộc lòng và cả một
số sách vở liên hệ đến dân nhạc Việt Nam nữa.
Ngay
ở các trại tị nạn đầu tiên ở Mỹ rồi tiếp đó ở Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam
Dương, Phi Luật Tân… thì tiếng hát ru con, ru cháu của dân Việt cũng đã được cất
lên vì nhu cầu cấp thiết ru cho trẻ ngủ.
Mặc
dù trong hoàn cảnh khác lạ, đổi đời nhưng từ lâu người Việt Nam đã quen nhẫn nhục
chịu đựng, đã thấm nhuần, đã thuộc lòng những kinh nghiệm sống khôn ngoan của tổ
tiên với các câu ca dao xưa cũ:
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.”
hoặc
là:
“Bầu ơi thương bí lấy cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một
giàn.”
Câu
ca dao này có truyền thuyết cho rằng đã có từ thời đại Hùng Vương từ năm 1122 đến
837 trước Công Nguyên, tức là hơn 2000 năm nay dân Lạc Việt trên đường du mục
đã sống chung , hòa thuận với các bộ tộc, thổ dân khác chẳng khác gì tinh thần
bình đẳng, hỗ tương của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ngày nay. “Con sáo” dân nhạc Việt
Nam được “đem ra” hải ngoại, bay vào lòng thế giới để tiếp tục sống còn, tồn tại.
Công
cuộc tìm kiếm, phục hưng lại dân nhạc Việt Nam hiện nay đã được rất nhiều cá
nhân, tổ chức Việt nam ở Hải ngoại cũng như quốc tế thực hiện nhằm mục đích duy
trì, bảo tồn Truyền Thống Dân Nhạc Việt Nam là một thành phần của Dân nhạc Truyền
Thống Thế Giới.
Đối
với những người Việt Nam thì công việc trên còn mang thêm nhiều ý nghĩa khác, một
mặt nhằm mục đích giới thiệu các làn điệu , âm hưởng Việt Nam với cộng đồng thế
giới, một mặt còn là bổn phận đóng góp vào những nền Văn Hóa Đa Dạng của các xứ
sở tự do, nơi mình đang cư ngụ như ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, ở Úc… mà nay một số
đông những người tị nạn cộng sản Việt Nam đã là công dân của các xứ sở này.
Ngô Đình Vận
Santa Ana, California 1994
No comments:
Post a Comment