Chân thành tưởng niệm
vô vàn vong linh đã chết thảm bởi các sự kỳ thị do ảnh hưởng Khổng Học gây ra
kéo dài nhiều thời đại.
Đây chính là lý do
thôi thúc chúng tôi tìm hiểu môn Khổng Nho để viết Tạp Luận.
Ngô Đình Vận
Giao hẹn (Phàm lệ)
1- Tạp luận viết đơn giản, nôm na là cách nói của người
Việt, ít dùng từ Hán Việt, chia vấn đề tìm hiểu thành từng mục ngắn để mong có
nhiều người đọc.
2- Khổng Tử chỉ riêng về Trọng Ni, còn Khổng Học là cả một
môn phái.
3- Việc tìm hiểu được thực hiện qua một số sách viết về
Khổng Học, sư trích dẫn chỉ dùng phần Việt ngữ trừ vài trường hợp phải trích ít
câu ngắn chữ Hán đọc theo âm Việt.
4- Các trích dẫn được ghi rõ xuất xứ, trong trường hợp không
tìm được nguồn gốc thi ghi “người xưa có nói hoặc có sách viết đại ý rằng”. Việc
tổng hợp nhiều tài liệu rồi rút gọn thì không thể ghi đủ xuất xứ được.
Tìm
hiểu qua sách sử rồi bàn luận về Khổng Học là điều rất khó vì đây là môn Cổ học
đã ra đời từ trên 2300 năm tính từ khi Khổng Tử thu nhận học trò.
Khổng Tử nhận học trò dễ dàng, không kể sang hèn để đào tạo
thành người tài đức ra làm quan giúp nước và còn có thể tiến xa hơn là trị quốc,
bình thiên hạ.
Trai tráng ở giai cấp bình dân thời bấy giờ nghe Khổng Tử
nhận học trò để dạy cho 6 nghề (lục nghệ) gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân
Thu thì mưừg như bắt được vàng, bởi vì việc học ở thời Xuân Thu vốn chỉ dành riêng
cho giai cấp quý tộc ở chốn cung đình.
“Khổng Tử tuyển sinh” đề tài nóng sốt quá chừng nên
chỉ ít ngày thầy Khổng đã có một đám đệ tử trên một chục người. Được nhập bọn đi
theo Nho đoàn xóm Trâu của Thầy lang thang du thuyết thì đã đủ hãnh diện với ba
con chòm xóm rồi. Học Khổng Nho biến thành cái mốt thời trang “Tân trào tiến
bộ”.
Trong sách Luận Ngữ do Nguyễn Hiến Lê dịch ở trang 123 ghi
rằng “Khổng Tử nói: Ai dâng lễ để xin học từ mõt bó nem trở lên ta chưa từng
(chê là ít) mà không dạy”.
Học là điều cốt yếu của Khổng Nho, nên cũng trong Luận Ngữ
trang 102 ghi “Khổng Tử nói: Trong một ấp mười nhà, tất có người trung tín
như Khâu, nhưng không có ai ham học như Khâu này”.
Tuy nhiên nói thì dễ nhưng vào cửa Khổng thì rất “nghiêm
và buồn” nên sách Luận Ngữ trang 114 viết “Khổng Tử nói: Người ta có tư
chất từ bậc trung trở lên thì có thể giảng đạo lý ca xa được, người có tư chất
từ bậc trung trở xuống không có thể giảng cho đạo lý cao xa được”.
Nhan Uyên được thầy Khổng khen là giỏi nhất còn phàn nàn là
đạo của thầy ta cao quá, nhiều đệ tử khác ước mong đạo của thầy hạ thấp xuống để
dễ học hơn.
Chúng tôi không phải là đệ tử nhà Nho, chẳng là kẻ sùng Khổng
hay sính Khổng. Từ lúc còn bé đã sợ thầy Đồ với cái hình ảnh nghiêm và buồn tay
luôn luôn cầm cái roi mây, thầy thích giải buồn bằng cách quất tía lia vào mấy
anh lớn đang ê a “Thiên Trời, Địa Đất, Cử Cất, Tồn Còn…”. Cũng may lớn lên
vài tuổi cái màn học chữ Nho đã nguội rồi nên tôi bị ép đi học chữ Tây. Thầy giáo
mặc đồ Tây thường đút tay vào túi quần, miệng nói xì xồ. Thầy chỉ rút tay ra
khi ngồi sau bàn để khảo bài, đứa nào không thuộc thì xòe tay ra “ăn thước kẻ”.
Chúng tôi phải kể lể “đầu cua tai nheo” dài dòng văn
tự như vậy chẳng qua có chủ đích diễn tả chúng tôi hoàn toàn tự do, độc lập không
bị bất cứ một thứ áp lực nào để viết Tạp luận y theo cách “quậy và vui”.
Hiện nay trên thế giới có cả hàng vạn con người đang nghiên
cứu về Khổng Học đều nghiêm túc cho dù họ thuộc nhiều phái sùng Khổng, sính Khổng
hay đả Khổng…Phần lớn những người nghiên cứu ở các nước Châu Á như Trung Hoa, Đài
Loan, Tân Gia Ba, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên…
Tìm hiểu Cổ học khó
quá vì tài liệu, sách cũ rất ít; Những kiếp người tỵ nạn mấy ai đem được sách đi.
Có một số người yêu sách đi theo diện bảo lãnh, HO nếu có mang sách đi theo thì
cũng chỉ được vài thùng.
Sách đã hiếm thế mà trong số sách cổ còn bị cái nạn sách giả,
người đời sau viết ra rồi đề tên các nhân vật nổi tiếng thời trước, kẻ hậu bối
chép lại sách của tiền nhân tùy tiện thêm bớt lung tung.
Ngay trong thời Xuân Thu Chiến Quốc Hàn Phi Tử (280-233
TCN) cũng tố cáo rằng “Khổng Tử, Mặc Tử đều nói Nghiêu Thuấn mà chỗ giữ lại,
chỗ bỏ đi không giống nhau và tự cho lời mình là của Nghiêu Thuấn thật. Nghiêu
Thuấn không sống lại, còn biết ai quyết định cho Nho, Mặc đằng nào thật nữa”.
Câu chuyện Hàn Phi Tử nói trên được trích ở trang 78 sách Lịch
Sử Triết Học Phương Đông của Nguyễn Đăng Thục (LSTHPĐ-NĐT).
Ngay trong thời Khổng Tử chúng ta cũng đọc thấy chuyện Tử Cống
chê trách những kẻ tiểu nhân ăn cắp sáng kiến, ý tưởng của người khác, hãy đọc
Luận Ngữ trang 296 viết “Tử Cống hỏi: Người Quân tử có ghét ai không? Khổng
Tử đáp: Có, ghét người nói điều xấu của kẻ khác, ghét kẻ dưới mà hủy báng người
trên, ghét kẻ dũng mà vô lễ, ghét người quả cảm mà cố chấp. Khổng Tử hỏi lại Tử
Cống: Tứ, anh có ghét ai không? Tử Cống thưa: Con ghét kẻ ăn cắp sang kiến của
người khác mà tự cho là của mình tìm ra (họ tự cho là khôn), ghét kẻ không
khiêm tốn mà tự cho là dũng, ghét kẻ bới móc việc riêng của người mà tự cho là
ngay thẳng”.
Cũng sách Luận Ngữ trang 99 ghi: “Khổng Tử nói: Ai bảo
Vi Sinh Cao là người ngay thẳng? Có người đến xin giấm, ông ta xin của hàng xóm
mà cho”. Chuyện riêng của Vi Sinh Cao mà Khổng Tử đem nói với học trò thì tệ
quá!
Nói tới chuyện sách giả thì đời nào chả có, Lịch Sử Triết Học
Phương Đông trang 78 ghi: “Trang Tử (365-290 TCN) gọi nạn giả dối trong sách
là trùng ngôn còn Khang Hữu Vi (1858-1937) gọi là Thác Cổ Cải Chế và Thác Cổ
Phát Tài”. Diễn nôm và giải ra là người đời sau làm sách giả để dựa hơi vào
uy tín của tiền nhân và thứ hai là làm sách để hốt bạc.
Nhiều cuốn sách nổi tiếng bị các nhà nghiên cứu đời sau coi
là sách giả chẳng hạn như các cuốn Quản Tử , Đại Học, Trung Dung… Nhiều học giả
như Khổng Dĩnh Đạt đời Đường, Trịnh Tiều, Chu Hy đời Tống, Thôi Thuật đời Thanh
đều cho là Khổng Tử không san định Kinh Thi mà chỉ chọn 300 bài (có chỗ nói là
305) để phổ nhạc.
Sách Luận Ngữ ghi nhiều chuyện về Khổng Tử thích nhạc, ông
học nhạc của nhạc sư, ông nghe nhạc Thiều của vua Thuấn mà quên ăn, ông thích
ca hát, có người mời ông điều khiển ban hát ông cũng làm luôn. Điều lạ nhất là
trò Phổ Nhạc Kinh Thi, diễn nôm ra là ông lấy lời của các bài dân ca thuộc nhiều
xứ khác để ngâm theo các thể điệu của đời Thuấn, đời Chu .
Chuyện này cũng giống như là “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
chẳng khác gì lấy lời của một ca khúc Tango Argentina rồi cố ráp vô điệu Lý Quạ
Kêu để hát bằng được.
Có thể lối phổ thơ này đã ảnh hưởng tới Giao Chỉ qua thời Đông
Hán trong trong đời Linh Đế (168-189), đã cho người bản xứ ở đất Giao Chỉ là Lý
Cầm, Lý Tiến đi làm quan. Từ đó các nho sĩ Việt đã đẻ ra lối ngâm nga chữ Hán
theo âm Việt. Lối ngâm nga này thì người Hán thứ thật có nghe cũng chẳng hiểu các
ông nho sĩ Việt ca hát cái gì, tuy nhiên chuyện này chỉ là sự lạm bàn rất cần có
tài liệu chứng minh vì nó liên quan tới xuất xứ của việc thành lập chữ Nôm mà có
giả thuyết cho là có từ thời Đông Hán.
Bàn
về việc nghiên cứu Cổ học cũng có 3 khuynh hướng khác nhau:
1) Người đời sau có quyền phán xét lịch sử, nói cách khác
người đời sau có quyền phê phán các thời đại trước mà sách Luận Ngữ bảo là “Ôn
Cố Tri Tân”.
2) Muốn đánh giá một nhân vật nào thì phải đặt họ vào đúng
thời đại của họ sống.
3) Cổ học là đồ bỏ xem chỉ mất thì giờ, có kiếm được đồng
nào không? (rất đông người đã nói như vậy).
Trong
khuôn khổ Tạp luận theo cách “Dòm vào cửa Khổng” chúng tôi chọn khuynh hướng
thứ nhất theo sự khuyến khích của chính Thầy Khổng là Ôn Cố Tri Tân.
Đọc lại sử sách chúng ta cũng thấy rõ rằng Khổng Tử
(551-479 TCN) ở thời Xuân Thu đã luôn luôn lội ngược về tận thời Thượng Cổ. Ông
luôn luôn phê phán Tam Hoàng, Ngụ Đế để dạy dỗ họ trò thì có sao đâu. Khổng Tử
cũng luôn luôn lấy lẽ đạo đức từ thời Nghiêu Thuấn để khuyên bảo thiên hạ mà
chuyện Nghiêu Thuấn thực hư ra sao chẳng ai biết, ngay cả thời đại Nghiêu Thuấn
có trước Công nguyên mấy ngàn năm thì cũng chỉ là Huyền sử.
No comments:
Post a Comment