Lac Viet Humanistic Culture

Tuesday, December 16, 2014

NGÔ ĐÌNH VẬN - TẠP LUẬN 4: TỐ VƯƠNG KHỔNG TỬ GẮN LIỀN VỚI CỔ TÍCH TRUNG QUỐC


Khổng Tử là con người của huyền thoại đồng thời ông cũng chế tác ra huyền sử Nghiêu Thuấn để làm mẫu mực cho đường lối chính trị của ông.

Sách Trung Dung được coi là của Tử Tư cháu nội Khổng Tử có câu rằng “Tổ thuật Nghiêu Thuấn” tức là nói lại cái đạo của ông Tổ là Nghiêu Thuấn.

Muốn tìm hiểu vế huyền thoại Khổng Tử chúng ta nên chấp nhận mọi phương cách để cố gắng tìm biết các huyền thoại ấy đã tô vẽ tới mức độ nào và ảnh hưởng đến học thuật của Khổng Tử ra sao.

Cái được gọi là đạo của Khổng Tử gắn liền tới sử Trung Hoa bao gồm cả hai giai đoạn Thần Thoại và Lịch Sử; do đó chúng tôi tìm đôc một số sử sách đối chiếu với một mớ tài liệu cũ để trình bày cổ sử Trung Quốc tóm tắt như sau:

Thần thoại của người Trung Nguyên có gốc hai bộ tộc Hoa Hạ sau này là dân Hán đều cho rằng Bành Tổ đã khai sáng ra Trời, Đất sau đó là Tam Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng.

Sau Tam Hoàng là Ngũ Thị gồm:

1.     Hữu SàoThị, ông này chế ra cách làm tổ trên cây.
2.     Toại Nhân Thị, ông này tìm ra cách lấy được lửa khi bổ củi.
3.     Phục Hy Thị, ông này rất nhiều tài trong đó có chuyện ông đặt ra Bát Quái khởi đầu của Dịch Học.
4.     Nữ Oa Thị, bà này lấy đá vá trời để cứu lụt.
5.     Thần Nông Thị, ông này tìm ra cách trồng ngũ cốc và dược thảo.

Tiếp theo là thời kỳ Truyền Thuyết gồm Ngũ Đế; trong số này có hai ông vua là Đường Nghiêu và Ngu Thuấn được coi là hai bậc minh quân, đức độ có long thương dân khiến cho hai thời đại này thịnh trị và an bình nhất.

          Trái ngược với Nghiêu Thuấn là các vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương là hai hôn quân,  độc ác hại dân.

          Sau nhà Thương là nhà Chu; gốc của nhà Chu là Khương Nguyên, bà này làm cung phi của Hoàng Đế; bà sinh ra Cơ Khí làm quan dạy canh nông được cả hai thời Nghiêu Thuấn trọng dụng. Tù cái gốc mẫu hệ Khương Nguyên trải qua nhiều đời làm tôi của nhà Thương; tới thời Cơ Xương (1090-1050 TCN) thì Trụ Vương nhà Thương phong cho Cơ Xương là Tây Bá tức là đứng đầu cá nước chư hầu ở phía Tây. Cơ Xương mở rộng đất đai, bành trướng thế lực bằng cách đánh chiếm một số bộ lạc khiến Trụ Vương nghi ngờ có mưu đồ làm phản nên Trụ Vương đã bắt giam Cơ Xương. Một số đại thần của nước Chu bèn dung mưu dâng gái đẹp, ngựa hay để xin Trụ Vương trả tự do cho Cơ Xương. Cơ Xương được thả về, ông ta ngấm ngầm xây dựng nước Chu thành một nước có thực lực mau lẹ. Trong khi Trụ Vương say mê tửu sắc nên nhà Thương đi dần vào chỗ suy tàn.

          Tây Bá Cơ Xương chết, con là Cơ Phát (1134-1116 TCN) nối ngôi, ông này liên kết với một số chư hầu rồi sai con của mình đem quân đánh nhà Thương. Trụ Vương thua chạy phải nhảy vào đám cháy mà tự tử.

          Cơ Phát lập ra vương triều nhà Chu, phong cho cha là Văn Vương còn mình lấy hiệu là Võ Vương. Tộc Chu có tín ngưỡng Thiên Đạo vì thế vua Chu được coi là Thiên Tử (con của Trời); Ngay từ khi mới xưng Vương, Võ Vương đã được một số người tài như Khương Tử Nha (Lã Vọng) làm quân sư, Chu Công Đán (Chu Công) em ruột của mình làm phò tá…

          Nhà Tây Chu được cái may mắn là vào thời đó dân Trung Nguyên đã chế tạo được đồ sắt nên việc canh nông, buôn bán rất phát đạt. Nhà Tây Chu cũng định ngay giai cấp xã hội gồm: thứ nhất là Thiên Tử, thứ hai là Quý tộc và Vua của các nước chư hầu, thứ ba là Thứ Dân, thứ tư là Nô Lệ. Việc phong đất cho các nước chư hầu nhà Chu đều cấy người trong vòng giai tộc hoặc thân thích tin cậy.

          Nhà Tây Chu đến đời vua thứ 12 là U Vương Cơ Cung Niết (781-771 TCN) mà sử sách Trung Quốc coi là hôn quân độc ác, hại dân không thua gì Kiệt, Trụ. U Vương làm cho nhà Tây Chu suy yếu và cuối cùng thi U Vương bị giết chết.

          U Vương mất, các chu hầu nổi lên đánh phá lẫn nhau tới thời vua thứ 13 là Bình Vương Cơ Nghi Cửu (770-729 TCN) bị các thế lực chư hầu bứt bách nên phải thiên đô tới Lạc Dương (Hà Nam), từ đó được gọi là Đông Chu. Các vua của nhà Đông Chu chỉ là loại vua bù nhìn được các chư hầu bày ra đứng giữa để kềm chế các tranh chấp với nhau vì không nước nào có thể họp lại để tạo nên một thế lực đủ mạnh để loại bỏ nhà Chu.

          Tóm lược cổ sử của Trung Quốc để dẫn tới thời đại Xuân Thu là thời gian được truyền thuyết cho là Kỳ Lân xuất hiện, Khổng Tử sinh ra.

          Thời Xuân Thu với thế lực của bọn Ngũ Bá, vua Đông Chu chẳng còn đất đai chỉ còn ở nhờ vào đất của chư hầu thậm chí có lúc không có cả lễ nối ngôi của vua nữa. Tính từ thời Văn Vương, Võ Vương dựng nghiệp Tây Chu tới Khổng Tử các xa khoảng 600 năm.

          Sách sử, tài liệu viết về Khổng Tử thì không biết cơ man nào mà kể, huyền thoại, truyền thuyết, ngoại sử được cả đám nhà nho tha hồ múa bút, tô vẽ cho tài đức của đấng thánh nhà nho tức là Khổng Tử. Các sách cổ thời Xuân Thu, Chiến Quốc như Tả Thị Xuân Thu (Tả Truyện) chuyện Lão Tử, Mặc Tử, Trung Dung, Đại Học, Mạnh Tử, Trang Tử, Sử Ký, Tuân Tử, Tạp Gia… đều viết về Khổng Tử (551-479 TCN).

          Mặc dù rất nhiều sách vở đời Tiên Tần đều nói về Khổng Tử nhưng nhà nho thời sau chỉ căn cứ vào Sử Ký của Tư Mã Thiên vì sách này viết dài về Khổng Tử mà lại ít chuyện thêu dệt nhất. Sử Ký cũng đề cập đến Khổng Tử là con cầu tự của cặp vợ chồng Thúc Lương Ngột và Nhan Thị (Trưng Tại).

          Một điều kỳ lạ nhất mà chúng ta đọc được đó là trong khi các tầng lớp Nho Sĩ nghiên cứu thì phần lớn dựa vào Sử Ký nhưng chính Khổng Tử lại tin vào Thiên Mệnh của mình là Tố Vương của thời Chu mạt.

          Chuyện Tố Vương là một loại “bí kíp” gia truyền được viết theo kiểu ngoại sử, tạp gia khiến tác giả Đoàn Trung Còn đã cóp nhặt rồi dịch để đưa vào sách “Truyện Đức Khổng Tử”. Dịch giả Đoàn Trung Còn đã theo lệ xưa nên không ghi rõ xuất xứ các tài liệu mà ông sưu tầm được với khả năng chữ Hán của ông.

          Câu chuyện Tố Vương, Kỳ Lân ra đời được Đoàn Trung Còn kể như sau:

          “Thúc Lương Ngột là một vị quan võ, mặc dù tuổi gần bảy mươi, nhưng không bằng long về chỗ thiếu con trai kế tự. Ông bèn cầu hôn nơi nhà họ Nhan. Nhan Lão có cả thảy năm người con gái đều đúng lứa, nhưng ngại vì quan Đại phu tuổi cao nên không nở ép cô nào cả.

          Ông bèn gọi cả năm cô đến bảo rằng: ngày nay các con đều đã lớn, đến tuổi lấy chồng. Quan Đại phu Thúc Lương Ngột vì hiếm hoi nên muốn kiếm vợ trong hang các con .

          Người ta vốn là phương diện quốc gia, ngặt một điều niên kỷ có cách biệt với các con. Cha muốn hỏi ý các con xem đứa nào có ưng thì cha gã về nơi ấy, không thì thôi, cha không ép.

          Các con đều cuối đầu lặng thinh. Người con út là Trưng Tại bèn đứng lên thưa: - Phàm con gái ở trong gia đình, phải tùy theo cha mẹ sở định. Cha muốn tính lẽ nào, các con cũng vâng lời, cần gì cha phải hỏi han làm chi cho nhọc.

          Nhan Lão được lời bèn hứa gã Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột. Cuộc hôn nhân thành rồi, hai vợ chồng thường ưu tư về việc thiếu con trai nối dòng. Cả hai bèn đề huề lên đỉnh Ni Sơn, ở nơi giáp ấp Trâu và huyện Khúc Phụ đề cầu tự. Trong lúc Trưng Tại lên núi, lá cây, lá cỏ đều sửng lên, như hớn hở rước mừng. Đến lúc Trưng Tại xuống núi, cây cỏ lại xụ lá như đưa về. Đêm lại, Trưng Tại nằm mộng thấy Hắc Đế hiện về mach rằng:

-         Bà sẽ được Thánh tử, đến ngày hãy lên Không Tang mà sinh.

Sáng ngày, Trưng Tại biết mình đã thọ Nhâm Thần. Một hôm bà lại nằm mộng thấy năm ông già rất đạo mạo tự xưng là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - Ngũ Hành Tinh. Các ông có dẫn đến con thú bằng con trâu ngé, có một sừng, mình đầy vảy như rồng. Tới trước Trưng Tại, con thú ấy cúi phục xuống, nhả ra một cái thẻ ngọc, trên ấy có chạm mấy chữ: Thủy Tinh Chi Tử, Kế Suy Châu Nhi Tố Vương (con của chất thủy tinh, nối nghiệp nhà Châu đã suy nhưng làm vua không ngôi). 

Trưng Tại trong lòng vẫn lấy làm kỳ dị, lấy sợi tơ đỏ quấn lên sừng con thú ấy. Nó bèn chạy đi. Trưng Tại đem việc chime bao thuật lại với chồng. Thúc Lương Ngột bảo: - Thú ấy là Kỳ Lân đó.

Gần kỳ lân bồn, Trưng Tại hỏi chồng xem có đất nào tên gọi Không Tang chăng. Ngột đáp:

-     Phía Nam Sơn có lỗ mội lớn, ăn trong đá, bầy miệng ra ngoài, nhưng chưa hề có nước chảy ra. Chỗ ấy tiếng tục gọi là Không Tang.

          Trưng Tại bèn xin chồng đến đưa mình đến đó để chờ ngày sinh sản. Ngột hỏi duyên do, bà bèn đem chuyện nằm mộng thấy Hắc Đế dạy khuyên, thuật rành rành. Ngột cũng chiều long, đưa vợ đến Không Tang, che lều trước lỗ mội, an trí bà vợ nơi đó.

          Đến đêm có hai con rồng từ trên không từ trên không bay xuống chầu chực hai bên lều. Lại thấy hai vị Tiên Nữ bưng nước hoa rẩy tắm cho Trưng Tại. Trưng Tại chuyển bụng sinh ra Khổng Tử ngay trước miệng lỗ mội chỗ Không Tang. Lúc ấy nhằm tháng mười nột, tiết đông lạnh lẽo bỗng tự nhiên trong lỗ mội, nước ấm trào ra tắm sạch mình Đức Khổng Tử vừa mới chào đời. Bấy giờ nhằm năm Canh Tuất (551 trước Dương lịch) năm thứ hai mưoi hai đời vua Tương Công nước Lỗ”.

          Đọc Luận Ngữ chúng ta thấy Khổng Tử nói nhiều lần nói mình giữ Đạo của Văn Vương, Võ Vương. Khổng Tử cũng buồn phiền than rằng từ lâu không còn nằm mơ thấy Chu Công nữa có lẽ Đạo của ta suy rồi.

          Khổng Tử không những mong làm Tố Vương mà còn muốn thực  hiện đường lối chính trị của Chu Công nữa. Đường lối được coi là tốt đẹp này của Chu Công được ghi trong Chu Thư (Kinh Thư của nhà Chu) qua việc Chu Công khuyên cháu là Cơ Tụng tức là Thành Vương lên ngôi năm 13 tuổi được Chu Công làm nhiếp chính trong suốt 7 năm.

          Lới khuyên của Chu Công với Thành Vương được Nhượng Tống dịch như sau: “Nơi người quân tử ở là chớ có rỗi. Biết trước cái khó khăn của sự gieo cấy rồi mới nhàn rỗi thì biết nơi nương tựa của dân hèn. Xem bọn dân hèn, cha mẹ nó siêng chăm gieo cấy. Con nó lại không biết cái khó nhọc của gieo cấy rồi mới nhàn rỗi, nói xổng, nói càng không thì khi cha mẹ nó nói rằng: người đời trước chẳng nghe biết gì cả”.

          Khổng Tử không thấy Kỳ Lân xuất hiện, lúc về già “dừng bước giang hồ” quay về nước Lỗ viết Kinh Xuân Thu, cuốn sách kết thúc ở chuyện Kỳ Lân bị thợ săn giết chết; vì thế Kinh Xuân Thu sau đó còn được gọi là Lân Kinh.

          Từ các sự việc kể trên, chúng ta thấy rằng cả đời Khổng Tử đã bị “ám ảnh” nặng nề về cái được coi là ý trời đặt ông vào danh phận Tố Vương trong truyền thuyết của gia đình.

          Thời Xuân Thu được coi là thời Chu mạt với Ngũ Bá gầm gè lẫn nhau, ngay cả sử sách cổ cũng ghi tên 5 nước khác nhau. Thuyết thứ nhất gồm  Tề, Tấn, Sở, Tần, Tống. Thuyết thứ hai gồm Tề, Tấn, Sở, Ngô, Việt.

          Thời đại loạn này theo Hồ Thích thì nó kéo dài 240 năm, trong khoảng thời gian này đã có 36 lần tôi thí vua, mà trong đó cả việc con giết cha cướp ngôi ở nước Sở.

          Đọc lại cổ sử của Trung Quốc, chúng ta cũng thấy việc tôi giết vua đã có từ thời nhà Hạ qua truyện Hàn Trạc giết Hậu Nghệ. Tự Thiếu Khang con dòng chính của nhà Hạ bị Hàn Trạc lùng giết nên đã phải trốn về ở với bộ lạc Hữu Ngu Thị ở đất Hà Nam. Thủ lãnh của bộ tộc này không đành để dòng giống nhà Hạ tuyệt nọc bèn cưu mang Thiếu Khang và gã luôn con gái cho ông này với hy vọng về sau Thiếu Khang sẽ tái lập lại vương triều nhà Hạ.

          Trong thời Xuân Thu, Chiến Quốc việc đánh giết giữa các nước với nhau là chuyện thông thường. Con cái dòng dõi của các vua, chúa hay bị truy sát, do đó những vụ chạy trốn, náu thân của giới quý tộc với mánh khóe “tàng long, phục hổ” theo cách “trồng người” đã được Quản Trọng đề ra cũng rất phổ thông.

          Quý tộc nước này bị đánh đưổi, chạy qua nước khác lại được giới quyền quý sở tại che dấu bằng cách đổi tên, đổi họ rồi gã con gái để giữ giống cho kẻ thọ nạn với mong muốn mai sau kẻ bị nạn sẽ phục hồi cơ nghiệp của ông cha.

          Ở thời Chiến Quốc, chúng ta cũng biết chuyện Lã Bất Vi (282-235 TCN) chỉ là một con buôn của nước Triệu. Lã Bất Vi rất giàu có cái gì ông ta cũng buôn bán nên ông ta thi hành luôn thủ đoạn “buôn vua”. Công tử của nước Tần là Tử Sở bị đầy qua nước Triệu, Lã Bất Vi thấy có mối buôn được bèn bỏ hàng trăm lạng vàng ra giúp đỡ Tử Sở rồi gài bẫy cho công tử này gặp thiếp của mình là Triệu Cơ.

          Triệu Cơ là con gái của một gia đình quý tộc rất thế lực ở nước Triệu nhưng Lã Bất Vi cũng mua chuộc để họ gã cho làm thiếp của ông ta; Triệu Cơ lúc đó đã có bầu nhưng có tài đàn hay, múa giỏi nên chỉ một lần Lã Bất Vi sai Triệu Cơ ra tiếp đãi rót rượu cho Tử Sở và vì có âm mưu sắp đặt trước của Lã Bất Vi nên Công tử nước Tần đã mê mẫn Triệu Cơ ngay. Lã Bất Vi nhường luôn Triệu Cơ cho Tử Sở, sau đó Triệu Cơ đẻ ra Doanh Chính, trên danh nghĩa Doanh Chính là con nối dòng của vua Tần nhưng thật sự là con của Lã Bất Vi.

          Khi Doanh Chính 13 tuổi loên ngôi xưng là Tần Thủy Hoàng Đế (259-210 TCN) thì Lã Bất Vi là Tể Tưóng Nhiếp Chính nhưng khi Tần Thủy Hoàng có thực quyền thì không ưa gì ông bố gian xảo, dâm đảng này. cuối cùng Lã Bất Vi phải uống thuốc độc tự tử vì sự đe dọa của chính con trai đang làm vua là Tần Thủy Hoàng.
         
          Trở lại cái vòng luẩn quẩn “nuôi nọc vương hầu thất thế” thời Xuân Thu, Chiến Quốc thì chúng ta cũng dễ liên tưởng để suy luận ra rằng biết đâu việc Thúc Lương Ngột gần 70 tuổi và vợ Nhan Thị ở tuổi đôi mươi không là một “thủ đoạn chính trị” rất bí mật của dòng giống nhà Chu đang nương náu, ần thân ở nước Lỗ.

          Giả thuyết một công tử trai trẻ thuộc dòng chính thống nhà Chu đã gặp Nhan Thị trên Ni Sơn để làm “nhiệm vụ trồng người” mà Lão Ông Thúc Lương Ngột “lực bất tòng tâm”. Ngược lại Lão ông Thúc Lương Ngột cũng rất hãnh diện vì tỏ được lòng tận tụy, lo lắng cho đại nghĩa nhà Chu.

          Giả thuyết “trồng người” theo chước “Tàng Long Phục Hổ” này cho thấy tất cả cái vở kịch cầu tự, Hắc Đế ban ơn chỉ để che đậy cả một toan tính lớn lao để phục hồi cơ nghiệp nhà Chu. Hơn thế nữa giả thuyết này còn có ưu thế thuyết phục về khoa học, sinh lý hơn là câu chuyện cầu tự đẻ ra Thánh Tử với điềm báo Kỳ Lân về sự sinh ra của Khổng Tử.

Ngô Đình Vận
February 15, 2012


(Còn Tiếp)



No comments:

Post a Comment