Nam Tử người
đàn bà xinh đẹp mà dâm loạn nổi tiếng ở thời Xuân Thu đã thu phục được Khổng Tử
chiều theo ý của bà ta. Câu chuyện đặc biệt này đã làm cho uy tín của nhà mô phạm
uy nghiêm là Khổng Tử bị hoen ố; dân chúng ở đô thị nước Vệ vào khoảng năm 495
trước Công Nguyên được dịp chê bai rằng “trông kìa Đạo Đức chạy theo gái đẹp”.
Để tìm hiểu câu chuyện hy hữu
này, trước hết chúng ta nên biết qua về tình hình chính sự của các nước Lỗ, Tề,
Vệ, Tống là bối cảnh diễn ra cuộc gặp gỡ của bà Nam Tử và Thầy Khổng Tử.
Theo các sự kiện được ghi
trong sách Luận ngữ, Tả truyện, Sử Ký… chúng ta có được sự tóm tắt như sau:
Nước Lỗ là một nước được cai
trị bởi dòng dõi người con trưởng của Cơ Công Đán tức là Chu Công, Khổng Tử
sinh ra ở đây nhưng vào thời đó nước Lỗ yếu kém nên phải chịu nép vào nước Tề nằm
ở phía Bắc là một nước mạnh trong Ngũ Bá.
Nước Vệ là một nước nhược tiểu
do hậu duệ của con thứ Chu Công cai quản vì thế Vệ nằm trong ảnh hưởng của nước
Tống ở phía Nam .
Nước Tống cũng là một trong Ngũ Bá của thời Xuân Thu.
Theo các sách Luận Ngữ, Sử Ký,
Trung Quốc Triết Học Sử… chúng ta có thân thế của các nhân vật chính trong “ván
cờ người” bao gồm Khổng Tử, Tử Lộ, Nam Tử, Vệ Linh Công, Tống Trào như sau:
Thứ nhất là Khổng Tử, một ông
Thầy chuyên dạy về Đạo Đức, học trò ông có tới trên 3000 người. Ông dạy học trò
phải tiết dục, tránh nữ sắc, Khổng Tử cũng coi rẻ phụ nữ.
Khổng Tử từ thời trai trẻ đã
luôn nuôi mộng phục hồi cơ nghiệp nhà Chu, ông cho mình là người tài đức sánh với
Chu Công và có thể đem cái Đạo của mình ra bình thiên hạ. Khổng Tử cũng rất nổi
tiếng vì những lời chê trách với bọn vua, quan các nước độc ác, hiếu dâm, ham sắc.
Thứ hai là Tử Lộ, một đệ tử
thân cận của Khổng Tử; Tử Lộ là người ngay thẳng, cương trực; ông này nhiều lần
đã can ngăn Khổng Tử không nên giúp đỡ hay ra làm quan dưới trướng hôn quân, bạo
chúa.
Đối nghịch với phe Đạo Đức của
thầy trò Khổng Tử là bộ ba dâm loạn gồm Nam Tử, Vệ Linh Công, Tống Trào. Bộ ba
dâm loạn này chơi trò “ngoại giao nhục dục” để thực hiện các mưu mô chính
trị. Thân thế của bộ ba tai quái này được mô tả trong cuốn The Culture of Sex in
Ancient China của Paul Rakita Goldin ở các trang 27, 28 có đoạn được Nguyễn Ngọc
Bích dịch như sau:
“…Ở trong Tả-truyện có một trường-hợp loạn-luân nổi tiếng
khác giữa mấy ông vua và vợ của họ đã làm cho dân-chúng nổi hứng làm thành
dân-ca như trong Thi-Kinh:
Vệ-Hầu [tức Vệ Linh-công,
trị vì 534-493 tr. CN] cho vợ là Nam-tử mời Tống Trào sang chơi. Họ gặp nhau ở
Đào. Thái-tử Khoái-ngoại hiến thành Vu cho Tề, rồi đi qua đồng của Tề. Người
dân quê bèn hát rằng: “Đã làm yên con
nái động cỡn, sao không mang trả con đực?”.
Nhà bình-luận Đỗ Dự
(222-284 sau CN) nói “con nái động cỡn”
đây ám chỉ Nam-tử còn “con đực” đây muốn nói đến Tống Trào.
Nam-tử là con gái nhà vua
bên Tống, nổi tiếng vì loạn-luân với anh tên Tống Trào. Chồng của Nam-tử, Vệ
Linh-công, không những chấp nhận tính dâm-ô của Nam-tử mà còn khuyến khích bằng
cách mời Tống Trào sang giao-hoan với Nam-tử ở Đào. Vì có chuyện loạn-luân này
nên chuyện thừa ngôi bị đảo lộn hết cả. Do để vợ ngủ với người khác nên Vệ
Linh-công đã đi đến chỗ mất con mình.
Thái-tử xấu hổ qúa nên nói
với Hi-dương Tốc: “Hãy theo ta vào chầu
Thiếu-quân [tức nam-tử]. Khi gặp Thiếu-quân, ta sẽ quay về mi, và mi hãy
giết mụ ta.” Tốc nói: “Dạ”. Nhưng khi vào chầu phu-nhân, phu-nhân thấy
Thái-tử. Thái-tử ba lần quay lại mà Tốc vẫn không tiến tới. Phu-nhân thấy Tốc
biến sắc, vội chạy đi và kê lên: “Khoái-ngoại muốn giết ta.” Vệ
Linh-công nắm lấy tay Nam-tử kéo lên một cái đài. Thái-tử trốn khỏi đất Tống.
Vệ Linh-công không còn lựa
chọn nào ngoài việc chọn một ngưòi con thứ…”
Sau khi biết rõ về các vai
trong “cuộc cờ người” chính trị nói trên, chúng ta tìm về duyên do đã dẫn
tới cuộc gặp gỡ đầy tai tiếng của Nam Tử và Khổng Tử.
Theo Luận Ngữ thiên Bát Dật ở
các trang 62, 63 được Nguyễn Hiến Lê dịch như sau:
“Vương Tôn Giả vấn viết: “Dữ kì mị ư Áo, ninh mị ư Táo; hà vi dã?” Tử viết: “Bất
nhiên hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã.”
Dịch: Vương Tôn Giả (một đại
phu cầm quyền ở Vệ) hỏi: Tục ngữ có câu: “Nịnh thần Áo, thà nịnh thần Táo còn hơn; câu ấy có nghĩa là gì?” Khổng
Tử đáp: “Mắc tội với Trời thì cầu đảo ở đâu cũng vô ích.”
Chú thích: thần Áo là thần
trong nhà, thần Táo là thần trong bếp nước, ăn uống nên quan trọng hơn.
Có người cho rằng Vương
Tôn Giả nói bóng bẩy: thần Áo chỉ Vệ Linh Công. Thần Táo chỉ nàng Nam Tử và Di
Tử Hà, những người Vệ Linh Công yêu. Khổng Tử như muốn được dùng ở Vệ thì lấy
lòng Nam
Tử và Hà Di Tử. Khổng Tử cự tuyệt một cách khéo léo. Ông cứ theo đạo trời, ngay
thẳng chẳng cần lấy lòng ai cả”.
Đối chiếu với các bản dịch Luận
Ngữ trong việc nghiên cứu, chúng ta thấy mỗi dịch giả có một “ngữ thuật”
khác nhau và tìm được nhiều điều thú vị.
Sau đây là một thí dụ điển hình
có sự khác biệt về “ngữ thuật” của James Legge và Leonard A. Lyall trong
đoạn nói về thần Táo và thần Áo.
James Legge dịch như sau:
“Wang-sun Chia asked,
saying: What is the meaning of the saying, it is better to pray court to the
furnace than to southwest corner? The Master said: not so. He who offends
against Heaven has none to whom he can pray”.
Bản dịch của James Legge không
có chú thích; bản dịch Anh Ngữ của Leonard A. Lyall thì có phần chú thích:
“Wang-sun Chia said: What
is the meaning of it is better to court the Kitchen God than the God of the
Home?” “Not at all”, said the Master “A sin against Heaven is past praying
for.” (Wang-sun Chia was minister
of Wei, and more influential than his Master. The Kitchen God of the Home (the
Roman Lares), but since he see all that goes on in the house, and accends to
heaven at the end of the year to report what has happened, it is well to be on
good terms with him).
Tiếp theo thì Khổng Tử đã yết
kiến Nam Tử. Cuộc gặp gỡ hiếm có được sách Triết Học Phương Đông của Nguyễn Đăng
Thục trích Luận Ngữ được mô tả như sau: “…Vua Vệ bấy giờ có người vợ tên là
Nam Tử nhan sắc rực rỡ và dâm đảng vô cùng. Nàng ấy muốn tiếp ngài. Khổng Tử cố
từ chối nhưng phép lịch sự phải vào yết kiến vì theo tục nước ấy hễ ai đến nhận
chức gì của nhà vua thì cũng phải vào ra mắt vợ vua. Nàng Nam Tử tiếp
ngài ngồi sau tấm màn gai. Khổng Tử hướng về phương Bắc như phủ phục. nàng Nam Tử vái lại
hai vái.
Tử Lộ thấy ngài vào yết kiến Nam Tử lấy làm không bằng lòng.
Ngài nói: “Dư sở phủ giả. Thiên yếm
chi, thiên yếm chi! Nếu ta có làm điều gì không phải thì trời bỏ ta!” vua Vệ
lại chiều nàng Nam
Tử mời ngài đi xe theo sau ra chơi ngoài đô thị. Có người cười mà chỉ trỏ: Kìa
đạo đức chạy theo gái đẹp. Ngài phải than: Ngô vi kiến hiếu đức nhi hiếu sắc giả
dã; Ta chưa từng thấy ai yêu đức tốt như sắc đẹp bao giờ”.
Từ các sự kiện nói trên chúng
ta thấy Khổng Tử đôi lần từ chối gặp Nam Tử chỉ là thủ đoạn làm giá để hy vọng
có thể mặc cả với triều đình nước Vệ mà thôi.
Tuy vậy dù Khổng Tử đã muối mặt
chiều lòng Nam Tử nhưng Vệ Linh Công đã không chịu dùng Khổng Tử làm bất cứ chức
vụ gì, và rồi Khổng Tử chán nản nước Vệ lên đường đi tìm việc ở vài nước khác.
Về biến chuyển ở nước Vệ theo
sách The Culture of Sex in Ancient China có đoạn được Nguyễn Ngọc Bích dịch như
sau: “Ba năm sau, khi Linh Công chết, người con thứ từ chối lên ngôi. Nam Tử buộc lòng
phải chấp nhận người con của chính kẻ tính giết mình lên ngôi ở nước Vệ.”
Nước vệ có vua mới, tình thế đổi
thay, Khổng Tử quên lời thề ở đất Bồ rằng “không bao giờ trở lại Vệ nữa”. Khổng
Tử đã tới lảng vảng ở thành đô nước Vệ, việc này trong sách Khổng Tử của Nguyễn
Hiến Lê trang 72 viết rằng:
“Mùa hè năm 493, trong khi
Khổng Tử ở Trần thì Vệ Linh Công chết. Bây giờ (488) ông trở về Vệ thì cháu nội
Linh Công là Xuất Công Triếp đã lên ngôi. Đáng lẽ ngôi vua về Khoái Quý là cha
của Triếp, nhưng Khoái Quý chống mẹ là Nam Tử, có lần muốn sai người ám sát mẹ
dâm loạn, việc không thành, phải trốn qua Tề. Vì vậy Nam Tử cho Triếp lên để cự
lại cha. Triều đình Vệ cực đồi bại.
Khi tới Vệ, Tử Lộ hỏi Khổng
Tử: Nếu vua Vệ giữ thầy lại mà nhờ thầy coi chính sự thì thầy làm việc gì trước?
Khổng Tử đáp: Tất phải chính danh trước hết chăng? Tử Lộ nói: Vậy ư? Lời thầy
vu khoát rồi. Sao lại phải chính danh? Khổng Tử nói: Do, anh thật thô thiển.
người quân tử có điều gì không biết thì không nói bậy. Nếu danh hiệu không
chính (xác) thì lời nói không thuận lý (vì danh hiệu không hợp với thực tế), lời
nói không thuận thì sự việc không thành; sự việc không thành thì lễ nhạc, chế độ
không kiến lập được thì hình phạt không trúng; hình phạt không trúng thì dân
không biết đặt tay chân vào đâu (không biết thế nào cho phải). Cho nên người
quân tử đã dùng cái danh thì tất phải nói ra được (tất phải thuận lý); đã nói
điều gì tất phải làm được. Đối với lời nói, người quân tử không thể cẩu thả được.” (XIII. 3).
Khổng Tử mắng Tử Lộ là thô
thiển, tuy nhiên chúng ta thấy chính lời nói và việc làm của Khổng Tử đã không đi
đôi với nhau, Khổng Tử từng có ít nhất hai lần chê không thèm nịnh Nam Tử nhưng
rồi cuối cùng ông lại phục tùng Nam Tử. Khổng Tử thề ở đất Bồ là sẽ không bao
giờ trở lại nước Vệ nữa nhưng bây giờ quyền hành thực sự ở Vệ nằm trong tay Nam
Tử thì Khổng Tử đã quay lại nước Vệ với hy vọng được triều đình nước Vệ tin dùng.
Khổng Tử đã đổi ý liên tục khiến chúng ta nhớ tới câu tục ngữ đầy tính mỉa mai “quân
tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.”
Khổng Tử nhà đạo đức “nói
đi nói lại” mà cũng chẳng trở thành người khôn. Khổng Tử và một số đệ tử lảng
vảng ở thành đô nước Vệ nhưng Nam Tử chẳng thèm ngó ngàng gì tới.
Đọc trong Luận Ngữ một cuốn sách
được coi là khả tín, ít bịa đặt nhất của Khổng Nho nhưng chúng ta cũng nhận thấy
có quá nhiều mâu thuẫn từ lời nói tới việc làm của thầy trò Khổng Tử.
Chính vì kẻ giảng dạy Đạo Đức
mà còn “tiền hậu bất nhất” thì làm sao tránh được các lời đàm tiếu, dị
nghị. Nội việc nhà Đạo Đức Khổng Tử giao tiếp với Dâm Nữ Nam Tử cũng là chuyện để
các học phái ngoài nho gia chỉ trích, phê bình đến độ nghi ngờ luôn cả sách Luận
Ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu đời sau không thỏa mãn về việc Luận Ngữ ghi lại quá sơ
lược về chuyện Khổng Tử gặp Nam Tử rồi bị Tử Lộ
trách cứ.
Sách Luận Ngữ có thể do nhóm đệ
tử còn ở lại Khúc Phụ để giữ trường sở của Khổng lâm và thờ Khổng Tử, trong đó
có Tử Cống là thương gia giầu có và Nam Cung Quát là dòng dõi thế gia của nước
Lỗ đồng thời cũng là cháu rể Khổng Tử. Nhóm chủ trương viết Luận Ngữ có thế, có
tiền thì dễ dàng lèo lái, thao túng việc biên soạn. Riêng Tử Lộ thì đã chết rồi
làm sao có thể cãi được các điều Luận Ngữ viết. Cũng có thể vì vậy đã có chuyện
chia rẽ nặng nề của hàng đệ tử sau khi Khổng Tử qua đời.
Ngay từ đời Chiến Quốc, đời Tần,
đời Hán đã có nhiều người chê trách Khổng Tử phục tùng Nam Tử. Một trong các sự
chế diễu cay độc là của Vương Sung “Wang Ch’ ung” (27-97).
Tài liệu này được hai học giả
Siegfried Englert và Roderich Ptak thuộc đại học Heidelberg (Đức Quốc) dùng làm tài liệu để viết
một bài báo với tựa “Nan-Tzu, or why Heaven did not crush Confucius”. Bài
này sau đó được đăng trên tờ American Oriental Society, Vol. 106, No. 4 (Oct. –
Dec., 1986).
Bài viết này có lời chế nhạo
của Vương Sung được Nguyễn Ngọc Bích dịch như sau:
“Có lần Vương
Sung (27 đến khoảng 97 theo CN) đem ra giễu chuyện này. Ông ta không tìm cách
làm sáng tỏ những vụ việc được kể lại (một chuyện khá tế-nhị như ta sẽ được thấy
sau này); ông chỉ "théc
méc" về lời thề của Khổng-tử và do đó, có thể cho ta ngờ vực về tính khả
tín của họ Khổng:
"Tôi
[nghĩa là Vương Sung] hỏi: “Bằng
cách chạy tội như vậy thì Khổng-tử có thực-sự chứng minh được là mình vô tội
không?” Nếu quả đã có lần Trời sụp và đè chết người ta vì người này làm chuyện
ô nhục thì ông Khổng có quyền nhắc đến, thậm chí cả thể độc như thế. Tử-lộ sẽ
có nhiều khả-năng là tin ông ta và như vậy ông ta sẽ được bạch-hoá. Đằng này,
chưa bao giờ ai thấy có người bị Trời đè cả. Như vậy thì liệu Tử-lộ có tin được
lời thề là nếu ông ta nói láo thì Trời sẽ đè ông ta chết không?
"Chuyện
đôi khi xảy ra là có người bị sét đánh chết, hoặc chết đuối hoặc bị hoả-hoạn
hay bị một bức tường đổ vào người mà chết. Giá mà ông Khổng nói: “Hãy để cho tôi bị sét đánh, hay chết đuối
hay bị cháy, hoặc bị một cái tường đổ mà đè chết tôi," thì Tử-lộ chắc
chắn đã tin ông ta. Nhưng đằng này, ông lại thề thốt với Tử-lộ bằng một tai-nạn
mà chưa bao giờ ai thấy xảy ra ở trên đời. Nói vậy thì làm sao mà xoá được hết
nghi ngờ trong óc của Tử-lộ và làm cho Tử-lộ tin được?"
Nếu sự việc xảy
ra đúng như trong đoạn trích trên đây thì Khổng-tử đã ở trong một thế nan-giải,
bởi làm sao mà ông chứng minh được là ông ta đã chỉ có một cuộc diện-kiến
chính-thức? Vì nói cho cùng, con người ta thì dễ ngả về hướng tưởng tượng ra những
chuyện giựt gân.”
Để kết thúc câu chuyện Khổng Tử liên hệ với Nam Tử; một câu chuyện
khá phức tạp, nhiều ngoắt ngéo đã gây ra các tranh luận từ thời Xuân Thu cho tới
ngày nay đầu thế kỷ 21. Chúng ta dựa vào các tài liệu ghi trong Luận Ngữ, Tả
Truyện, Sử Ký, các phê bình, giải thích Luận Ngữ của Trình Y Xuyên, Chu Hy… Chúng
ta có thể có được một giả thuyết với các luận điểm như sau:
Quan hệ tính dục tay ba giữa Nam Tử, Vệ Linh Công, Tống Trào là một
“thủ đoạn ngoại giao” bệnh hoạn. Nước Vệ cần được sự che chở của nước Tống
nên Vệ Linh Công đã chiều lòng Nam Tử để bà này tiếp tục gian dâm với anh cùng
cha khác mẹ là Tống trào. Đổi lại Nam Tử để yên cho Vệ Linh Công được sủng ái Hà
Di Tử cùng với bà ta.
Các chuyện dâm loạn ở triều đình nước Vệ vốn bị dư luận chê trách
nên Nam Tử và Vệ Linh Công muốn dùng “con cờ” Khổng Tử để giải trừ bớt các
chỉ trích của dư luận với triều đình. Phần khác vì tự ái, tò mò Nam Tử quyết đòi
Khổng Tử gặp riêng bà ta rồi mời Khổng Tử theo xe đi chơi ngoài đô thị.
Khổng Tử nhà Đạo Đức đương thời mà còn theo phò Nam Tử thì còn ai
dám chê bai Nam Tử nữa.
Về phía Khổng Tử, ông đã cố gắng chiều lòng Nam Tử với âm mưu là sẽ
được Vệ Linh Công tin dùng để từ cái nước nhỏ này, ông dùng làm bàn đạp để thi
thố tài năng của ông mà ông thường nói là phục hồi chế độ Nhà Chu.
Trong “ván cờ người” này, Nam Tử thắng còn Khổng Tử thì
thua thê thảm ấy là chưa nói về chuyện giựt gân mà Vương Sung đã gợi sự tò mò
cho hậu thế để có hứng nghiên cứu Khổng Nho.
Ngô Đình Vận
March 28, 2012
No comments:
Post a Comment