Lac Viet Humanistic Culture

Wednesday, January 7, 2015

TRẦN NGUYÊN THAO - VN NẰM ĐÂU TRONG THẾ CHIẾN KINH TẾ?


Nền kinh tế Việt Nam toàn năm 2014, được hình dung như đang ở thế “nằm ngang dưới đáy”, dù có cơ may ngóc đầu lên được thì cũng bị “xã hội chủ nghĩa” du vào thế ngu ngơ trước viễn ảnh chiến tranh kinh tế toàn cầu cạnh tranh khốc liệt và phức tạp. Hình ảnh này ngược hẳn lại với khẳng định của người đứng đầu chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn tấn Dũng khoe là tăng trưởng kinh tế trong năm nay dự kiến sẽ đạt 5,9%, cao hơn 0,3% so với ước tính của Ngân Hàng Thế Giới. Và rằng do xuất cảng vượt mức, nên ngoại tệ thu về đang giữ trong kho bạc được coi là khá an toàn cho năm 2015. Nhưng Hanoi lại vừa phải làm thủ tục vay thêm 2 tỷ Đôla qua việc phát hành công khố phiếu!

Thế cờ đã đổi, VN chọn đâu ?

Trong vòng ba năm nay, thế giới bừng tỉnh đầy ngạc nhiên về một loại vũ khí chiến lược mới trong kinh tế, mà Hoa kỳ đang nắm giữ thế thượng phong, làm thay đổi tình hình chính trị trên bàn cờ thế giới. Đó là dầu hỏa. Hoa kỳ hiện nay là quốc gia duy nhất dùng vệ tinh satellite điều khiển mũi khoan đào dầu sâu xuống nhiều dặm dưới lòng đất rồi theo sự hướng dẫn của vệ tinh, mũi khoan có thể quay ngang và đào bên cạnh gọi là horizontal drilling, tiến tới mục tiêu có dầu, mà độ chính xác tìm ra dầu thô trong một đường kính nhỏ chỉ bằng cái nồi hầm phở của các bà nội trợ Viêt Nam!

Kỹ thuật “khoan ngang” hay còn gọi tắt là “Fracking” dùng nước tạo áp xuất đẩy dầu từ các vết nứt mỏ đá shale oil, đang đưa lại cho Hoa kỳ lượng dầu lớn lấy từ các mỏ dầu lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas.

Tờ Libération của Pháp nhận định rằng, từ tháng Mười năm 2014, Hoa Kỳ đã soán ngôi sản xuất dầu lửa của cả Arab Saudi lẫn Nga. Với mục đích tự chủ về năng lượng, Hoa kỳ đã lấy được dầu hỏa từ đá phiến shale oil nhiều đến mức giờ đây có thể xuất khẩu. Hãng tin Kinh Tế Bloomberg cũng xác nhận, Hoa kỳ năm nay đang qua mặt Arab Saudi, trở thành nước sản xuất dầu với năng xuất 11 triệu thùng mỗi ngày. Đến năm 2019, Mỹ sẽ sản xuất lên tới 13.1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Hoa Kỳ ngày nay không còn lệ thuộc vào việc mua dầu từ các xứ dầu hỏa Trung Đông. Đây cũng chính là lúc Hoa Kỳ rảnh tay tiến bước sang vùng Á Châu Thái Bình Dương, không cho đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Cộng có dịp “lo le” trên hải lộ quốc tế với giá trị thuơng mại hơn 5 ngàn tỷ Đôla mỗi năm.

Nước Nga, các nước vùng Nam Mỹ và Trung Đông không còn ở thế thượng phong về dầu hỏa. Thế cờ ngày nay đã đổi thay. Kinh tế Nga lệ thuộc 68% vào xuất khẩu dầu khí. Dầu thô đang từ 140 Đôla một thùng nay xuống còn 54 Đôla; giá xăng do vậy cũng xuống theo. Những tính toán sai lầm của ông Plutin khi xâm lăng Crimea và can thiệp quân sự vào Ukraine buộc Châu Âu và Hoa kỳ đồng hành đưa Nga đến sự trừng phạt về kinh tế. Đồng Rup của Nga mất giá, không còn kiềm chế nổi. Dân chúng Nga hốt hoảng. Giới thân hữu tài phiệt xung quanh ông Putin đã mất hơn 50 tỷ Đôla. Kinh tế Nga gần như rối loạn đến nỗi chính ngân hàng trung ương Nga cũng nói là “nguy kịch”. Nhiều công ty quốc tế, ngay cả Apple của Mỹ vừa loan báo ngưng giao dịch ở Nga. Tình thế rất khẩn cấp do Hoa Kỳ và Âu châu “bắn tiếng” gia tăng các biện pháp cấm vận mới, chính phủ Putin phải làm việc ngày đêm, không nghỉ lễ để tìm “lối ra”.

Giáng Sinh năm 1991, kết cuộc thê thảm đã đến với Mac tư Khoa, khi toàn khốn Liên xô sụp đổ vì chạy đua vũ trang với Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Nay ông Putin đang “say đòn” đưa Nga và các nước cùng nhóm vào thế cô lập, vì những tham vọng, độc đoán cá nhân. Phản ứng ngoại giao rất hiếm hoi khiến ông Putin bị bẽ mặt trước cộng đồng lãnh đạo quốc tế, khi hầu hết các nguyên thủ quốc gia dự hội nghị G20, tháng 11 vừa qua “tẩy chay, không chào hỏi Putin” trong hôi nghị. Dấu hiệu của lịch sử tái diễn đang rõ dần. Liệu tay “võ sĩ Putin” có đủ khôn ngoan “lách mình” khỏi cú đấm thôi sơn của chú Sam đang giáng xuống,  sẽ “ngấm đòn” trong thời gian không xa nữa – khi lá bùa khí đốt của Putin đang mất dần hiệu lực.

Giữa tháng 11-2014, Trung Cộng với tư thế nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, muốn ngăn cản chiến lược chuyển trục của Hoa Kỳ sang Á Châu qua TPP, đã công bố nỗ lực vận động cho một hiệp định tự do mậu dịch khác – FTAAP, thoát thai từ APEC; mang tính cạnh tranh trực tiếp với Hiệp định TPP do Hoa Kỳ đỡ đầu. FTAAP mới chỉ có 20 nước thành viên từ APEC có tên trong đó. Nhưng Trung Cộng chưa thể tiến hành vòng đàm phán kỹ thuật nào cho FTAAP (*)

Chủ Tịch nước Tầu, Ông Tập cận Bình, tác giả của những ngón đòn chống tham nhũng giả hình, thanh trừng khốc liệt, làm “xuất huyết nội bộ”. Nhưng sẵn sàng “vươn cánh tay ra” để thực hiện quyền lực mềm, tháng 11 vừa qua, Trung Cộng đã hứa hẹn cho 10 nước Đông Nam Á vay tới 20 tỷ Đôla, lãi xuất thấp, để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Trung Cộng cũng điên cuồng vận dụng tài nguyên đầu tư vào vệ tinh tình báo, đóng tầu sân bay, tầu ngầm, phi cơ tàng hình J20, J31, xây dựng đảo “nhân tạo” và phi đạo trên các đảo nhỏ để “cắm dùi” khắp chốn trong vùng lưỡi bò 9 đoạn tự mình vẽ ra. Tất cả chỉ vì muốn có dầu hỏa phục vụ cho kỹ nghệ trong nước. Khi họ Tập khai thác được dầu hỏa ở Biển Đông, thì sản phẩm này đã bị chú Sam phỗng mất ưu thế tay trên từ trước mất rồi. Cả hai ông Putin và Tập cận Bình có thể đang rất “cay cú” vì sa vào bẫy dầu hỏa, khí đốt của chú Sam. Cả hai xem như đang đi vào cụt vốn; hậu quả của việc làm “cố quá”, sẽ đi đến  “quá cố” không còn xa.

Ngoại tệ của Việt Nam thu về từ xuất khẩu dầu thô chiếm tới 10% GDP. Vào đầu tháng 11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, trên cơ sở dự báo giá dầu bình quân là 100 Đôla mỗi thùng; hôm nay xuống còn 54 Đôla, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến ngân sách, và đến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015.

Hanoi biết rõ cuộc diện thế giới đã đổi thay như trên phác họa, cùng với các yếu tố đia lý, lich sử lâu đời của Việt Nam. Hanoi biết phải chọn đường nào mới tốt cho Dân Tộc, nhưng họ không muốn, vì những ràng buộc “quan hệ đúng hướng” với Bắc Kinh và sợ quyền lợi riêng của họ bị thương tổn.

Lo ngại giảm phát

Trong bản báo cáo cập nhật tình hình công bố hôm nay 03-12-2014, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo tương đối lạc quan về kinh tế Việt Nam, nhưng đồng thời lại nêu bật điểm yếu kém trầm kha khi lưu ý rằng: Tiềm năng để kinh tế Việt nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thực sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng - hiện đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới. (Báo Xã Luận)

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng, được Báo Dân Trí trích thuật, đã tuyên bố tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam năm 2014 tại Hà Nội : tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014 đạt 13%, với tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 150 tỷ đôla. Với mức xuất khẩuvừa nói, Việt Nam dự kiến đạt xuất siêu năm thứ 3 liên tiếp, với mức xuất siêu ước đạt khoảng 1,5 tỷ đôla. Nâng mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam trong năm 2015 được nói là luôn đảm bảo tương đương với 12 tuần nhập khẩu trở lên.

Khoe là có dư ngoại tệ, nhưng dịp đầu năm, Hanoi sẽ vay quốc tế thêm 1 tỷ Đôla qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn 10 năm nhằm tái cơ cấu nợ công. Trước đó, hồi tháng 11, Hanoi cũng đã vay 1 tỷ Đôla qua cách phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, cũng với kỳ hạn 10 năm và lãi suất cố định 4,8% một năm.

Mỗi năm Hanoi nhận gần 12 tỷ Đôla, do người Việt từ ngoại quốc gởi về. Số tiền này được chuyên gia kinh tế đánh giá như “phao cứu sinh” nền kinh tế VN, nhưng người đứng đầu chế độ “bất lương” lờ đi không nhắc đến.

Ông Dũng cũng khoe tăng trưởng kinh tế trong năm nay dự kiến sẽ đạt 5,9%, cao hơn 0,3% so với ước tính của Ngân Hàng Thế Giới. Tin này được Bộ Kế Hoạch Đầu Tư công bố chính thức. Các chuyên gia và cơ chế kinh tế lại luôn nghi ngờ các thống kê của Hanoi.

Ông Trương tấn sang, Chủ Tịch Nước, trong bài viết đầu năm hiếm hoi, được báo chí tại Việt Nam đăng tải, công khai nhìn nhận: "tụt hậu" về kinh tế, khiến đất nước "khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành sân sau của người khác".

Hiên ngang nói ngược lại với ông Thủ Tướng Dũng, Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai, chuyên gia Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận đinh, “Nền kinh tế đang có hình dạng nằm ngang, chỉ khi có sự cải thiện về chất lượng của sự tăng trưởng thì mới có thể tạo được sự khởi sắc. Cả lý thuyết lẫn thực tế đều cho thấy tiêu dùng giảm, cầu về lao động giảm, sản lượng giảm và lạm phát giảm. “Nếu không cẩn thận sẽ giảm phát chứ không phải lo chống lạm phát. Sức mua bán không có thì làm sao có lạm phát”.

Tiến sỹ Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế độc lập, dẫn ra các số liệu và cho rằng khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước, chiếm đến 68% kim ngạch xuất khẩu. Điều này cũng cho thấy, sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng của năm 2014 vẫn tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2014, có đến 68 ngàn doanh nghiệp tư sập tiệm, 174 ngàn cử nhân tân khoa không kiếm được việc làm. Lương công nhân VN thấp nhất trong khu vực. Đa phần nông dân còn sống đời mò cua, bắt ốc thì sức mua bán giảm sút là đương nhiên. (trích báo Dân Trí và Xã Luận, Dec 2014)

Cải tổ cầm chừng

Năm 2008, Việt Nam có tới 47 ngân hàng. Nhiều năm trước, Hanoi ra lệnh đến 2015 sẽ giảm xuống chỉ còn 15 ngân hàng thương mại. Kế hoạch này theo các chuyên gia tài chánh thì rất khó thực hiện, vì ngân hàng nào cũng đầy nợ xấu ở mức độ khác nhau. Họ là những nhóm lợi ích được các thế lực chính trị “chống lưng”, quyền lợi chồng chéo, nên họ ở trong vị thế “gờm nhau”. Hiện nay nhiều ngân hàng rất mong được nước ngoài mua để khỏi chết. Nhưng nhà đầu tư nước ngoài rất ngần ngại, vì nợ xấu không minh bạch, luật lệ VN còn giới hạn quyền nắm giữ 30% số lượng cổ phần, giá cả “hát lên tận trời”; nhất là số lượng ngân hàng quá nhiều so với số người Việt Nam có thói quen sử dụng, giao dịch và ký thác tài sản trong ngân hàng. Đối với các ngân hàng đang trong giây phút “lâm chung” Hanoi cho nhà đầu tư nước ngoài mua 49% cổ phần. Nhưng nhà đầu tư nói là “tỷ lệ 49% không hợp lý, chúng tôi không làm nhiệm vụ cứu kẻ đang sinh thì!”

Báo cáo kinh tế của tòa đại sứ Anh tại Hà Nội cho biết,  Những mâu thuẫn về lợi ích chính trị chằng chịt và cơ cấu sở hữu Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) phúc tạp đang là trở ngại chính. Hanoi đặt chỉ tiêu cho năm 2014  là 432 DNNN phải cải cách, nhưng chỉ có 71 đã cổ phần hóa.

Báo cáo kinh tế của tòa đại sứ Anh phân tích : "54% các DNNN được điều hành bởi chính quyền địa phương, 27% dưới sự chỉ đạo của các bộ ngành và 19% được xếp vào nhóm “tập đoàn kinh tế và các tổng công ty”."

Báo tuổi Trẻ nói là, dù cho nhà nước có hoàn thành được mục tiêu là cổ phần hóa hết các Tổng Công Ty, hay tập Đoàn Doanh Nghiệp thì về thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ” khi mà người quản trị doanh nghiệp vẫn không thay đổi. Nhà nước cũng vẫn nắm giữ số cổ phần rất cao 51%, 65%, 75%, thậm chí 97%”.

Trường hợp Vietnam Airlines, thì chỉ bán có 12,5% cổ phiếu, trong đó dành cho công nhân, viên chức, cho nên tỷ lệ bán cho các nhà đầu tư bên ngoài rất thấp. Như vậy thì ai chịu bỏ tiền vào cho những người bất tài tiếp tục gây thất thoát cho công ty.

Hanoi ra chỉ thị các doanh nghiệp phải bán các cổ phần đầu tư ngoài ngành, rút vốn về đầu tư đúng chỗ, tiếng trong nước gọi là “thoái vốn”. Chỉ tiêu thoái vốn năm 2014 là 20 ngàn tỷ đồng, nhưng hết năm DNNN chỉ lấy vốn về được 3.5 ngàn tỷ. Thực tế, họ chỉ bán những khoản đầu tư ngoài ngành nào xấu và đang lỗ. Thậm chí, ngay cả những khu vực làm ăn đang lỗ nặng, cũng đòi bán giá “vơ vét” rất cao.

Rõ ràng Cộng đảng chỉ muốn tồn tại với cường quyền, bạo lực để phục vụ cho chính họ, nên họ chọn cách “đi dây nửa vời” để tự tồn. Điều này giải thích lý do tại sao Hanoi luôn nói tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, nhưng gần như chỉ làm chút xúi, vừa đủ làm dịu sự cơn phẫn nộ của dân chúng. Một chế độ độc đảng, trấn lột thô bỉ, thao túng từ kinh tế, tài chánh, nắm giữ ngôn luận thì không thể đưa Dân Tộc đi lên trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

Trần Nguyên Thao
January 01, 2015

(*) Free Trade Area of the Asia-Pacific (FTAAP) tháng 11-2014 thoát thai từ APEC
Asia-Pacific Economic Cooperation (APEC), tháng 11-1989
Trans-Pacific Partnership (TPP) tháng 6-2005 đang đi vào giai đoạn kết thúc đàm phám.

No comments:

Post a Comment