VĂN HÓA HỒI GIÁO VÀ VĂN MINH THẾ GIỚI
Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Con người luôn luôn sinh
động. Thế giới không bao giờ ngừng chuyển động, biến hóa từ xáo trộn này đến
xáo trộn khác. Có hoạt đông, xáo trộn, thay đổi mới có thăng tiến. Người ta đưa
ra đủ thứ lý lẽ, suy tư, biện luận để chứng minh cho những sinh hoạt và đấu
tranh của mình. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Sô là đầu đàn của khối Cộng
Sản quốc tế, luôn luôn gây chiến, biện minh cho công bằng xã hội và bình đẳng
xã hội. Tư bản, đại diện là Hoa Kỳ thì nêu lý do Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền
phải được tôn trọng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Khi thế giới Cộng Sản xụp đổ,
chiến tranh lạnh không còn thì người ta lại bắt đầu nói đến Toàn Cầu Hóa về đủ
thứ chuyện từ Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho đến Kinh Tế, Chính Trị, Sống
Chung Hòa Bình thì Khủng Bố lại bùng nổ. Hiện tượng gì đây?
Biến cố 11 tháng 9 ở New
York và Washington D.C. đã làm thế giới bàng hoàng, Hoa Kỳ giao động. Thế giới
và nhất là Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi: Ai là thủ phạm đây? Người ta nói quân khủng
bố Bin Laden ở A-Phú-Hãn (Afghanistan). Tiếp theo đó biết bao vụ khủng bố xẩy
ra trên khắp thế giới như vụ bom nổ tự sát dưới tầu, ga xe lửa ngày 7-7-2005 ở
London, rồi khủng bố ở Brussel, Bỉ, Hoa Kỳ cứ thế lác đác xẩy ra khắp Hoa Kỳ ở
Boston, Orlando, California và Âu Châu giết chết nhiều dân lành vô tội, đặc
biệt là tại Paris quân khủng bố phá nát một tòa bào, giết nhiều nhân viên trong
đó có Charlie Hebdo vì một bức tranh hí họa xâm phạm đến giáo chủ tiên tri
Mohammed, tất cả đều được thủ phạm công nhận là do Hồi Giáo gốc (Radical
Islam). Sau này xuất hiện ISIS, một chủ trương Hồi Giáo thoát thai từ al-Qaeda
đã chính thức trở thành một chủ nghĩa chống lại văn minh thế giới, coi Hồi Giáo
là tôn giáo duy nhất và chỉ có Hồi Giáo được tồn tại. Những mạng lưới khủng bố
này không phải tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều phản đối và ghét bỏ. Do đó
vấn đề được đặt ra là Hoa Kỳ và thế giới chiến đấu cái gì đây? Đánh ai đây?
Khủng bố tự nó đã là một
thách đố phức tạp và đa dạng. Muốn đánh bại nó cũng cần phải có những đòi hỏi
và cam kết cần thiết như trong chiến tranh cổ điển. Nhưng quân khủng bố lại
không giống như những kẻ thù trong chiến tranh cổ điển. Không phân biệt được
điều đó thì –theo Martha Crenshaw, chuyên viên về khủng bố và giáo sư quản trị
đại học Wesleyan- chúng ta lại tạo ra một mục đích….mà có lẽ chẳng
bao giờ đạt được. Chiến thắng ư? Và chừng nào thì đạt chiến thắng? Đó là những
thắc mắc và ưu tư đang được đặt ra cho thế giới, nhất là Hoa Kỳ.
Nhưng TT Bush
và nhân dân Hoa Kỳ đồng tâm nhất trí đứng lên tìm bắt cho được kẻ thù chủ mưu
khủng bố hấu tái lập an ninh. Đến Obama cũng cố nhảy vào sào huyệt của ISIS
ở Iraq và Syria để truy lùng và tiêu giệt nhưng lại chỉ
đánh lờn vờn bằng không lực cho có lệ!? Thế rồi Nga Sô nhảy vào vòng chiến cũng
gọi là truy kích ISIS tao thành tình trạng xáo trộn, gây nên làn sóng ty nạn
khổng lồ tràn ra khắp Âu Châu biến Châu Âu nhất là Pháp, Đức đang điên đầu, Hoa
Kỳ bị xáo trộn vì hứa hẹn sẽ nhận hàng trăm ngàn dân tỵ nạn từ Syria. Nói chung
trên toàn thế giới chỗ nào có dân tỵ nạn Hồi Giáo xuất hiện thì hầu như có xáo
trộn từ dân sinh đến văn hóa kinh tế chính trị. Họ công khai không công nhận văn
hóa nơi họ cư trú, chỗ họ được nhận định cư, họ áp đặt một nền văn hóa Hồi Giáo
của họ và nhiều đòi hỏi khác đôi khi rất vô lý.
Để dung hòa điều mà ta
gọi là trả đũa hoặc Công Lý và Hòa Bình An Ninh lâu dài, Crenshaw đã nêu ra hai
mục tiêu tối hậu cần phải đạt được là: “…Trong đoản kỳ, ta phải giệt cho bằng
được mạng lưới khủng bố toàn cầu và, trong trường kỳ về lâu về dài chúng ta
phải biến cái Đầm Lầy Hồi Giáo cho nó trở thành khô ráo để nó phát
triển và sinh hoa kết trái. Muốn được như vậy, Hoa Thịnh Đốn phải biết
mình đang chiến đấu cái gì. Vấn nạn này khiến chúng ta liên tưởng đến một luận
thuyết chính trị toàn cầu của F. Fukuyama và H. Huntington xuất hiện sau chiến
tranh lạnh, nghĩa là sau khi đế quốc cộng sản xụp đổ ở ngay Nga Sô và Đông Âu,
đã gây rất nhiều tranh cãi trong giới trí thức và triết học. Khi bức tường Bá
Linh sụp đổ năm 1989 thì Francis Fykuyama đồng thời cũng cho ra tập khảo luận
nhan đề “Phải chăng lịch sử đã kết thúc?/ The End of History and the Last
Man”. Ông đem vấn đề này ra thảo luận, bàn cãi ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
và cho rằng: “Chiến tranh lạnh kết thúc là dấu hiệu báo động chấm dứt luồng
biến chuyển của ý thức hệ loài người và toàn cầu hóa nền Tự Do Dân Chủ Tây
Phương sẽ là hình thức quản trị cuối cùng của nhân loại.” Hay nói một
cách khác là Tây Phương đã chiến thắng. Có thể nói mọi sự đã
được tạm thời xếp đặt và, con đường đi đến toàn cầu hóa chính trị-kinh tế một
cách hòa hợp nhịp nhàng cũng đã được quyết định và lịch sử phải chăng đã kết
thúc?
Sau khi Fukuyama đưa ra
một dự phóng như vậy thì Huntington, giáo sư quản trị Đại học Harvard cũng đưa
ra một viễn tượng không mấy lạc quan với tác phẩm “Sư xung đột của hai nền
Văn Minh / The Clash of Civilizations” Ông cho rằng kết thúc chiến
tranh lạnh cũng khai tử luôn cà sự cạnh tranh giữa các quốc gia và dân tộc,
nhưng lại bộc phát một loại cạnh tranh mới khác giữa các nền văn minh lớn trên
thế giới. Hồi xưa là xung đột giữa Các Ý Thức Hệ, bây giờ thì
xung đột giữa Các Tôn Giáo, Chủng Tộc và Giá Trị Văn Hóa. Theo
ông: “Điều quan trọng nhất và là mấu chốt của vấn đề là Tây Phương và
Hoa Kỳ đang cố gắng cổ võ, đánh bóng nền DÂN CHỦ, TỰ DO như là những giá trị
phổ quát, lại cố gắng ưu tiên giữ lấy tiềm năng quân sự và đẩy mạnh lợi ích
kinh tế của mình đã đi ngược lại những đáp ứng của những nền văn minh khác trên
thế giới.” Đây chính là cuộc tranh hùng mới giữa Tây Phương và Thế
Giới, nó tương đương với cuộc tranh đua giữa ý thức hệ cộng sản và tự đo. Và
không có cuộc tranh hùng nào mơ hồ mà lại nguy hiểm hơn là cuộc tranh hùng này
giữa Thế Giới Hồi Giáo và Tây Phương.
Như vậy, qua các cuộc
phá hoại và tấn công các tòa đại sứ Mỹ và hàng không mẫu hạm USS Cole của Hoa
Kỳ, nhất là biến cố kinh hoàng ngày 11 tháng 9 ở New York và DC hay những vụ
khủng bố giết hại dân lành vô tội ở Hoa Kỳ và trên thế giới, cũng như gần đây ở
Benghazi đã cho chúng ta thấy viễn tượng mà Huntington nêu ra có vẻ càng ngày
càng được sáng tỏ, còn dự phóng của Fukuyama một học trò cũ của Huntington thì
chưa có gì là xác đáng. Ông nói: “Nhìn chung thì vấn đề của Hồi Giáo là vấn đề
CANH TÂN. Nhưng chiều hướng canh tân của họ hiện nay cũng có vẻ mạnh mẽ đấy
chứ. Tuy nhiên ông vẫn ghi chú thêm:…dù sao thì phần lớn vẫn còn phải phụ thuộc
vào sự đáp ứng của chính phủ và nhà nước.”
Theo nhiều chuyên viên
về Hồi Giáo thì, vì sự va chạm xung đột khác biệt giữa những giá trị văn hóa
của các nên văn minh trên thế giới hiện nay nên những tên khủng bố đã nắm được
ưu thế để thành công…Đối với Osama bin Laden –như ông ta đã tuyên bố năm 1998-
thì cuộc đấu tranh của ông chỉ là nối tiếp cuộc tranh đấu chống lại cuộc Thánh
Chiến của những tên ‘vô đạo’ ở thời Trung Cổ mà thôi. Như vậy dưới mắt bin
Laden và những đồ đệ của ông thì ngày đó là ngày mà Hoàng Đế Ai Cập và Syria
tấn chiếm Jerusalem và quyết tâm bảo vệ nó hồi Thánh Chiến thứ ba. Phải chăng
phe Bin Laden muốn làm sống lại Hồi Giáo nguyên thủy thời Trung Cổ?
XUNG KHẮC GIỮA CÁC PHE PHÁI HỒI GIÁO
Nhưng theo một số học
giả khác thì cuộc xung đột không đơn giản như vậy, lằn gianh đấu
tranh rất đa dạng. Akbar Admed, nguyên đại sứ Pakistan tai Anh Quốc và là giáo
sư về Hồi Giáo thuộc đại học American ở Washington DC đã nói: “Cuộc xung khắc
không phải chỉ xẩy ra giữa Hồi Giáo và Tây Phương mà còn xẩy ra ngay giữa các
phe phái Hồi Giáo với nhau.” Cứ nhìn vào những người Hồi Giáo để râu quai nón
dài và những người không để râu hoặc để râu ngắn thì biết ai hồi giáo hơn ai.
Nhiều người Hồi Giáo cực đoan cũng như nhiều bình luận gia Hoa Kỳ đã cho
rằng toàn cầu hóa tức là Mỹ hóa và Tây Phương hóa. Họ
đã lầm hoặc cố tình không cần biết đến những lời kinh Koran là: “Đối
với Chúa, chẳng có Đông mà cũng chẳng có Tây”. Theo Asdmed thì họ
chẳng hiểu gì về Hồi Giáo với cả một chuỗi chiều dài lịch sử của nó cùng với
những nền văn hóa đạo giáo tản mát bàng bạc đâu đó khắp nơi. Có những học giả
còn đi xa hơn nữa cho rằng phe cực đoan quá khích đã chối bỏ hết cả ý nghĩa vừa
phong phú vừa đa dạng và đặc thù của Hồi Giáo. Họ cũng chẳng thèm để ý đến lời
nói của Mohammed là phải KHOAN DUNG. Vì vậy mà cũng có rất nhiều phe phái cực
đoan khác nhau ở ngay trong chính Hồi Giáo gọi là cực đoan, và đa số là theo
phong trào của học giả Mohammed bin Abd al-Wahhab ở thế kỷ 18. Ông này lúc đó
sống ở miền Trung Arabia và đã tìm được đồng chí thuộc một gia đình họ Saud
biết lắng nghe lời mình mà sau này giòng họ này có người đã làm vua vào năm
1932, mở đầu một triều đại mới ở Saudi Arabia. Phe Wahhab tuyên bố nhận
mình là Hồi Giáo nguyên thủy, từ chối canh tân, thay đổi và cải cách, cương
quyết thực hành theo sát từng chữ từng lời kinh Koran và những lời truyền khẩu
của tiên tri Mohammed, đồng thời kêu gọi thành lập một quốc gia thi hành chặt
chẽ tuyệt đối luật Hồi Giáo. Họ phê phán đả kích tất cả những ai không theo
đúng đường lối của họ, khiến Sheik Hisham Kabbani, chủ tịch Hội Đồng tối cao
Hồi Giáo Hoa Kỳ đã phải tuyên bố: “Thật là rùng rơn đáng sợ khi những người
theo phái chính thống (fundamentalist) đã kết án những người theo phái truyền
thống (traditionalist) là phản đạo. Họ không biết rằng chính tiên tri
Mohammed đã nói, là người trần không ai có quyền được phê phán người khác. Bởi vì
chính tiên tri cũng đã nhìn thấy trước rằng chính trong Hồi Giáo sẽ có nhiều
phe phái hành đạo khác nhau, nhưng chỉ có Chúa mới có thể phán xét ai đúng ai
sai mà thôi.”
Theo thời gian, văn minh
Hồi Giáo cứ thế mà tiếp tục lan truyền và dị biệt. Các quốc gia Âu Châu thì đua
nhau đi chinh phục thuộc địa và truyền bá văn minh văn hóa của mình. Khi ra đi
-vào tiền bán thế kỷ 20- họ đã để lại những quốc gia Hồi Giáo mới được phục hồi
độc lập ở khắp Bắc Phi và Trung Đông với biết bao dấu ấn xáo trộn đầy thách đố.
Vì không có truyền thống dân chủ, nên cứ hết chế độ này đến chế độ khác thay
nhau mà độc tài chuyên chế. Trí thức và nhân sĩ thì cứ ôm lấy chủ nghĩa duy vật
của những ông Tây thuộc địa cũ, đuổi theo canh tân để thăng tiến và hưởng thụ.
Hành đạo và nghiên cứu đạo bị sao lãng hoặc bỏ quên. Chính phủ thì cứ nay xuống
mai lên như thay áo. Vào thời gian xáo trộn ấy lại xuất hiện quốc gia Do Thái
/ Israel nằm ngay chính trung tâm Cận Đông là cái nôi của Hồi Giáo.
Hoa Kỳ là nước đầu tiên yểm trợ và nâng đỡ quốc gia Israel. Cả Hoa Kỳ
lẫn Israel trở thành cái gai, là kẻ thù mà Hồi Giáo khó có bao giờ có
thể khoan nhượng.
CÔNG BẰNG VÀ CÔNG LÝ XÃ HỘI
Thực vậy, vùng này lúc
đó đã chín mùi cho đủ mọi thứ phong trào nhất là phong trào chính thống
(fundamentalism) hứa hẹn mang lại công bằng công lý xã hội và đoàn kết các sắc
tộc. Nhưng khổ một nỗi là Hoa Kỳ lại được mô tả như một tên ác quỉ vĩ đại
chuyên xía mũi vào chuyện của người khác. Vì vậy Hoa Kỳ đã trở thành cái cớ làm
bùng phát phong trào quá khích tức chiến dịch khủng bố mà họ cảm nhận
như đã được Chúa ủy thác dù rằng nhiều người, đặc biệt là Richard
Cohen đã phê bình trên tờ Washington Post cho là vô lý. Bằng cớ là mặc dù Hoa
Thịnh Đốn đã cố gắng đứng trung gian để dàn xếp ổn thỏa vấn đề giữa Israel và
Palestine nhưng phe Bin Laden vẫn cứ cho người tấn công tòa Tháp Đôi ở New
York, khủng bố tòa đại sứ Hoa Kỳ, dân Hoa Kỳ…..và trên thế giới dai dẳng cho
đến hiện nay với đủ dạng thức và thứ lý do.
Theo Charles Fairbanks,
giáo sư đại học Hopskin phân khoa bang giao quốc tế thì: “Nếu chính sách đối
ngoại của Hoa Kỳ thất bại thì Hoa Kỳ nên xem xét vấn đề Tôn Giáo một cách cẩn
thận và nghiêm chỉnh hơn. Vì lợi ích, Hoa Kỳ và thế giới hãy cố gắng làm sao
khuyến khích dân Hồi Giáo học hỏi nghiên cứu giáo lý và giáo huấn Hồi Giáo
nhiều hôn, cẩn thận hơn để làm sống lại tinh thần truyền thống Hồi Giáo”. Sheik
Kabbani cũng đồng ý như vậy. Nhưng buồn một nỗi là phe quá khích lại đang thắng
thế, có tiếng nói và được đa số dân Hồi Giáo ủng hộ”.
Vậy thì phải làm sao
đây? Thiết nghĩ Hoa Kỳ cần phải tìm hiểu truyền thống Hồi Giáo và những giáo
huấn của họ để nhận biết phe nào cần được giúp đỡ, phe nào không hầu tránh tình
trạng như hiện nay mà Kabbani đã từng nói là một số phe cực đoan đang được trợ
giúp bởi những chính phủ mà chính chúng lại đang cố công tiêu giệt. Nếu Hoa Kỳ
và thế giới không giúp đỡ Hồi Giáo truyền thống thắng được cuộc tranh luận /
đấu tranh thần học hiện nay ngay trong lòng thế giới Hồi Giáo thì Tây Phương và
Hoa Kỳ rồi sẽ còn phải đối đầu với những kẻ cực đoan về một vấn đề do chính họ
tạo ra. Đó là sự xung khắc thực sự và ghê gớm giữa các nền văn minh thế
giới, rất có thể làm đảo lộn tất cả mọi bậc thang giá trị văn hóa và văn minh
nhân loại, đi đến chỗ đổ vỡ và bị hủy giệt.
TÁI LẬP TRẬT TỰ THẾ GIỚI
Như vậy thì giữa Francis
Fukuyama và Samuel Huntington ai có lý ai không? Hay là phải chăng sự xung đột
giữa các nền văn minh thế giới đang đe dọa kết thúc lịch sử? Chưa
đâu, năm 1997 Samuel Huntington cho ra một luận án nhan đề ‘The Clash of Civilizations
and The Remaking of World order / Xung đột của hai nền Văn Minh và
sự Tái Lập Trật Tự Thế giới’ tiếp nối cuốn The Clash of Civilizations
của ông đồng thời trả lời cuốn The End of History and the last man của người
học trò cũ của ông là Francis Fukuyama.
Luận đề này rất quan
trọng có thể gây căng thẳng làm tăng bạo động vì nó làm sống lại những tranh
chấp giữa những quốc gia và các nền văn hóa mà căn bản truyền thống của nó dựa
trên Niềm Tin và Tín Điều tôn giáo. Biện luận này coi ý niệm chủng tộc có ảnh
hưởng nhiều đến phát triển của những nền văn hóa chính như văn hóa Tây Phương,
Đông phương Orthodox, Châu Mỹ Latin, Hồi Giáo, Nhật Bản, Tầu, Ấn Độ và Phi
Châu, là những tranh chấp đang xẩy ra trên toàn thế giới. Samuel P. Huntington
là một khoa học gia về chính trị tại Harvard và từng là phụ tá TT Clinton về
chính sách đối ngoại đã quả quyết là người làm chính sách cần phải chú tâm đặc
biệt đến sự phát triển này khi họ muốn can thiệp vào nội tình các quốc gia
khác. Huntington đã trải dài ý tưởng kích động đó về chính sách ngoại giao rất
có ảnh hưởng gần đây trên suốt chiều dài sách của ông: là chúng ta không nên
coi thế giới là lưỡng cực hoặc một tập hợp những quốc gia, nhưng như một bộ có
7 hay 8 nền văn minh văn hóa chẳng hạn mà một thì ở phương Tây, những cái kia
thì ở ngoài không phải là Tây Phương nhưng liên kết với nhau do số phận và xung
đột nhau do căn tính riêng của mỗi nền văn minh. Vì vậy trong cách làm sạch,
ông đưa ra nhiều điểm khá linh động: canh tân không có nghĩa là Tây Phương hóa;
phát triển kinh tế đồng thời cũng phải phục hưng tôn giáo; chính trị hậu chiến
tranh lạnh phải coi trọng chủ nghĩa quốc gia dân tộc hơn ý thức hệ; thiếu những
trọng điểm đứng đầu đó sẽ làm chậm sự phát triển của Châu Mỹ Latin và thế giới
Hồi Giáo. Ông không chỉ nêu lên là những quốc gia Hồi Giáo đã gây bạo động với
nhau xâu xa hơn là với những nước khác, mà còn cảnh báo Tây Phương không nên lo
lắng quá về chủ nghĩa chính thống của Hồi Giáo mà hãy để ý đến chính Hồi Giáo,“một
nền văn minh khác lạ mà người dân tin rằng văn hóa của họ là siêu việt nhưng
lại mang mặc cảm thua kém về sức mạnh quân sự.” Huntington cho
rằng chiến tranh ở Bosnia đã trở nên khốc liệt vì đi đến xung đột
giữa chủng tộc và tôn giáo, nhưng ông vẫn cho rằng sự đổ vỡ đó khả dĩ vẫn có
thể tránh được. Vậy thì lo sợ chủ nghĩa đa văn hóa là căn nguyên làm suy yếu
Hoa Kỳ xem ra không đứng vững.
Nhìn lại vụ 9/11/2001 và
những khủng bố khác ở Hoa Kỳ và khắp thế giới cùng với sự xuất hiện của chiến
tranh khủng bố và kinh nghiệm “thay đổi thể chế” và “xây dựng quốc gia”, người
ta không thể không ngạc nhiên về những phỏng đoán khá chính xác và những lời
khuyên đã không được để ý đến. Căn bản của luận án này là không nên
áp đặt những giá trị văn hóa, tôn giáo và chính trị của Tây Phương lên những
quốc gia không phải là Tây Phương. Bằng cớ nổi bật
nhất của luận án này là cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên vào năm 1990 khi Hoa Kỳ
tấn công Iraq. Dưới mắt Tây Phương, đây hoàn toàn chỉ là một cuộc chiến
được liên minh các quốc gia Ả Rập ủng hộ vì họ thành công trong việc ngăn chặn
Saddam Hussein xâm chiếm vương quốc yếu là Kuwait. Nhưng đối
với Huntington, nó bị dân chúng ở Trung Đông kết án là đế quốc can thiệp
vào nội bộ nước ngoài bằng sức mạnh quân sự, một loại chiến tranh của Tây
Phương chống lại các quốc gia Hồi Giáo Ả Rập. Chiến tranh gọi là tốt đi nữa
cũng có thể bị gậy ông đập lưng ông. Lấy danh nghĩa bảo vệ mạng sống và tài sản
của một quốc gia Ả Rập nào đó thì nó cũng gây sợ hãi và thù ghét trong thế giới
Ả Rập và tạo thêm sức mạnh cho kẻ quá khích bị chiến bại cũng như uy tín của
hắn được tăng thêm nơi những quốc gia láng giềng.
KẾT LUẬN
Dựa trên những thí dụ
căn bản đó, Huntington rút ra một kết luận đau đớn là chúng ta, Tây
Phương không thể phổ quát hóa mọi quyền lợi và nguyên tắc mà chúng ta ưa thích
và trân trọng đem áp dụng vào những dân tộc, những chính phủ và những quốc gia
khác mà họ không ưa hay không thích hợp với họ. Làm như vậy -ông cảnh cáo- là
vô luân và nguy hiểm. Ông cũng xác quyết khi kết thúc sách của ông: “Sự
can thiệp của Tây Phương vào những nền văn minh khác có thể là căn nguyên duy
nhất và nguy hiểm nhất của bất ổn và xung khắc ngấm ngầm trong một thế giới đa
văn hóa văn minh.” Huntington còn tiến xa hơn nữa đưa ra một
“luật cấm” là: Điều “cốt lõi” của một nền văn minh là cấm không cho can thiệp
vào những tranh chấp giữa những nền văn minh khác. Phải chăng vì vậy mà sự can
thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ vào Iraq đã thất bại, gây nhiều đổ vỡ,
để lại nhiều hệ lụy sau này mà ta đã thấy. Sự xuất hiện của ISIS!?
Xem vậy thì Hoa Kỳ cũng
đã trực tiếp can thiệp vào nội tình của miền Nam Việt Nam, nhất là dưới chế độ
đệ I VNCH quả là sai trái và vô luân, để lại nhiều hệ lụy ngàn đời cho hơn 80
triệu người dân và con cháu họ cùng đất nước Việt Nam chưa biết đến bao giờ mới
rửa sạch !!
Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Fleming Island, Florida
December 14, 2016
No comments:
Post a Comment