Little
Saigon (VanHoaNBLV) – Nhà báo Tạ Phong Tần nhân chuyến viếng thăm Mission San
Juan Capistrano đã giới thiệu đến đồng hương khu vực truyền giáo này với những di
tích lịch sử, văn hóa quan trọng của tiểu bang California cùng ngôi nhà thờ đổ
nát còn được bảo tồn sau trận động đất năm 1812.
TẠ
PHONG TẦN - KỲ BÍ PHẾ TÍCH NHÀ THỜ CHIM ÉN
Bài đã đăng báo Trẻ Weekly Magazine ngày
07/8/2017
Những ngày nghỉ trong
dịp lễ July 4 vừa qua, thay vì đến những nơi nhộn nhịp để giải trí, không ít
người vẫn muốn rời xa chốn kinh thành đô hội để tìm về nơi mang “Dấu
xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long
thành hoài cổ – Bà Huyện Thanh Quan) để thư giãn tinh thần. Một trong số địa
điểm lôi cuốn đầy màu sắc huyền thoại đó là nhà thờ cổ Mission San Juan
Capistrano.
Mất hơn nửa giờ lái xe
từ thủ đô của người Việt tị nạn Little Sài Gòn (quận Cam), rồi chúng tôi cũng
đến được nhà thờ Mission San Juan Capistrano, tọa lạc tại địa chỉ 26801 Ortega
Hwy, San Juan Capistrano, tiểu bang California. Tuy nhiên, cư dân địa phương
không gọi nó là Mission San Juan Capistrano, mà dùng một tên gọi nôm na, gần
gũi hơn: Nhà thờ Chim Én.
Nguồn gốc của cái tên
này là vì Tháng Ba hàng năm, sau thời gian bay đi trú Ðông thì chim én lại kéo
nhau nườm nượp về nơi này làm chỗ trú ngụ cho đến đầu mùa Ðông năm sau. Tiếc
rằng chúng tôi đến nhà thờ Chim Én vào những ngày này không được tận mắt chứng
kiến từng bầy chim én bay liệng đông nghịt trên bầu trời, nên không thể quay
phim, chụp ảnh hầu quý bạn đọc được.
Ban đầu, nơi đây chỉ
có thổ dân da đỏ sinh sống. Khi mà Orange County còn là vùng đất hoang vu
chưa được khai phá thì vị linh mục Tây Ban Nha có công xây dựng và lập nên Tu
viện cổ này vào năm 1776 là Cha Serra, nên còn có tên gọi khác là “Nhà thờ của
Cha Serra”. Tiếc rằng, đến năm 1812 nó đã bị một trận động đất tàn phá. Tất cả
chỉ còn lại là đống đổ nát trên nền nhà và những bức tường trơ trụi. Từ đó, nó
có thêm tên là Nhà Thờ Ðổ. Sau này, người ta đã dời vị trí Thánh đường mới sang
khu đất gần đó, và nơi đây gần như được bảo tồn nguyên vẹn để ghi dấu chứng
tích của gần 300 năm về trước cho hậu thế chiêm ngưỡng kỳ công kiến tạo của
tiền nhân.
Nổi bật trên tòa nhà
thờ đổ nát là tháp chuông và những chiếc chuông đồng cổ được đúc từ những năm
1796 nay đã bám một lớp dày rỉ đồng màu xanh lá cây. Bên cạnh phế tích này là
bức tượng Cha Serra đúc đồng cao bằng người thật.
Bao quanh khu nhà thờ
là bức tường xi măng được trồng phủ ngoài rất nhiều loại xương rồng khổng lồ.
Sau khi mua vé $9/người vào cổng, chúng tôi bắt đầu lượn vòng quanh khu vực đổ
nát này. Khu đất rất là rộng, Thánh đường chính xây bằng đá trắng và vôi vẫn
còn nguyên các bức tường, các dãy phòng bên trong với rui mè bằng gỗ to lớn,
lợp ngói đất nung đỏ, tất cả đã rêu phong, mốc trắng với thời gian. Từng dãy
hành lang với cửa tò vò chạy dài thăm thẳm suốt bốn mặt khu đất, chính giữa là
khoảng sân trống rất rộng trồng nhiều cây cối, hồ phun nước nhân tạo trồng hoa
súng. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy ở sân giữa này có rất nhiều cây
xương rồng thuộc hàng “lão làng” cao quá đầu người hàng sải tay, với đủ thứ chủng
loại. Có thể gọi nơi đây là khu bảo tồn xương rồng cũng không có gì là quá
đáng.
Tường xây bằng gạch
làm từ đất sét nung đỏ dày đến ba gang tay, có nơi dày phải đến năm gang tay.
Vì vậy, thời tiết ngoài trời đang nóng bức, nhưng đứng trong các căn phòng cổ
và hành lang của chúng thì cảm giác mát rượi.
Chúng tôi nhìn thấy
những chiếc ghế gỗ để dọc hành lang bóng loáng vì qua nhiều năm sử dụng, nhà
bếp với các dụng cụ nấu bếp thời xa xưa của người da đỏ, những chiếc giường ngủ
mà chỉ có khung gỗ đóng chặt bốn chân xuống đất, bề ngang chừng bốn gang tay,
mặt trên đan bằng dây da thiệt làm chỗ nằm, vũ khí thô sơ, yên ngựa, nón sắt,
quần áo, bàn ăn… của chiến binh thời xưa. Có những bức tranh tường vẽ cảnh các
chiến binh và gia đình họ.
Lại có cả khu sản xuất
gạch đất nung, khu dùng thuộc da, bếp nấu ăn rất lớn xây bằng gạch nung lộ
thiên ngoài trời, các dụng cụ lưu dấu một lò rèn thời xưa, lò nấu kim loại cũng
đào sâu xuống đất và xây bằng gạch nung ở ngoài trời. Thỉnh thoảng, cạnh lối
đi, chúng tôi bắt gặp những chiếc thùng gỗ có đai sắt bọc quanh và dây thừng
cuộn tròn trong thùng, có cảm giác như những chiếc thùng này người ta vừa mới
dùng xong rồi để ở đây.
Dưới một gốc cây cổ
thụ rất lớn là cái giếng cổ, thành giếng cũng xây bằng gạch nung. Bây giờ, người
ta đã làm nắp đậy bằng sắt đậy lên trên để du khách khỏi phải ngã xuống, nhưng
vẫn có chỗ cho họ ném tiền lẻ xuống giếng như một hình thức cầu may, lấy phước.
Những chiếc xe kéo có bánh xe bằng gỗ nằm cạnh lối đi, dụng cụ để người ta ép
dầu olive và ép nho làm rượu.
Ngày nghỉ lễ nên khu
thư tịch cổ cũng đóng cửa thành ra chúng tôi không vào xem được, nhưng cũng
thỏa mãn trí tò mò khi được xem chiếc tủ sách cổ nho nhỏ phía phòng trưng bày
vật dụng của các linh mục sáng lập nhà thờ, với những quyển sách cũ kỹ đóng bìa
da thật dập chữ nổi mạ vàng đã sờn mòn gáy và phai màu với thời gian, thứ mà
tôi chỉ được nhìn thấy qua phim ảnh hay mô tả trong sách thì nay được nhìn thấy
tận mắt.
Mất một ngày lê lết
đến mệt bã hết cả người nhưng chúng tôi chưa khám phá hết những điều bí ẩn ở tu
viện cổ này. Ngày xưa, Thôi Hiệu đến uống rượu ở lầu Hoàng Hạc đã viết: “Hạc
vàng ai cưỡi đi đâu? Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ?” (Hoàng hạc lâu-
Bản dịch của Tản Ðà). Riêng tôi khi thăm tu viện đổ nát này, tôi có cảm giác
như những thổ dân da đỏ, các linh mục, tu sĩ vẫn đang ra vào, sống và làm việc
ở đây. Vẫn nghe thấy quanh quẩn đâu đây giọng nói rì rầm, tiếng cười hiền hòa,
tiếng bước chân mang dép da quai dây buộc nhẹ nhàng lẫn trong hồi chuông chiều
ngân dài trong gió.
No comments:
Post a Comment