Little
Saigon (VanHoaNBLV) – Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt ghi lại phóng sự về
Little Phnom Penh còn có tên là Cambodia Town của Tạ Phong Tần, Cựu Tù Nhân Chính Trị, Nhà Báo Tự Do, Blog Sự Thật & Công Lý vào ngày 17 tháng 8 năm
2017 trong khu vực và đường phố của Little Phnom Penh thuộc thành phố Long
Beach, miền Nam California, Hoa Kỳ.
TẠ
PHONG TẦN - CÓ MỘT LITTLE PHNOM PENH Ở NƯỚC MỸ
Little Sài Gòn ở thành phố
Westminster, Orange County, Nam California là cái tên quen thuộc ai là người Việt
cũng đều biết (kể cả “phe ta” lẫn “phe địch”), bởi lẽ danh tiếng “Trung tâm chống
cộng nước Mỹ” của Little Sài Gòn đã “danh trấn giang hồ”, “làm mưa làm gió” suốt
mấy chục năm nay. Tình cờ, tôi phát hiện gần Little Sài Gòn cũng có một Little
Phnom Penh của người Kampuchea tỵ nạn cộng sản, bèn “khăn gói quả mướp” lên đường
tham quan coi Little Phnom Penh khác và giống Little Sài Gòn ở chổ nào.
Kampuchea, còn được gọi là Cao Miên,
Cambodia, Miên, Khmer Krom. Theo các tài liệu được tìm thấy thì cư dân ở đây là
người Mỹ gốc Kampuchea, đến Mỹ tỵ nạn trong giai đoạn năm 1975 đến 1979. Hiện nay, cộng đồng này ở Little Phnom Penh có khoảng 20,000 người sinh sống. Lên mạng Google tìm đường đi, tôi phát hiện địa chỉ đầu tiên cần đến là
United
Cambodian Community (số 2201 E. Anaheim Street, Suite 200, Long
Beach, CA 90804), cách Little Sài Gòn 32 phút lái xe, bèn cứ vậy mà thẳng tiến.
Đường vào Little Phnom Penh có đề chữ
“Cambodia Town”. Long Beach là một thành phố biển cổ nên đường xá không rộng
rãi như các thành phố mới. Little Phnom Penh nằm trong thành phố Long Beach,
nên khi chúng tôi đi một vòng quanh Little Phnom Penh thì thấy so với Little
Sài Gòn, Little Phnom Penh “cái gì cũng nhỏ”. Đường rộng nhất chỉ có hai lanes,
chớ không phải ba, bốn, năm lanes tha hồ chạy vi vút như khu vực Little Sài
Gòn. Những thứ đáng lẽ cần phải bự như: cây xăng, công viên, chợ, nhà hàng, khu
thương xá, bãi đậu xe (parking)... đều nhỏ xíu.
Chúng tôi đến Little Phnom Penh vào
ngày Thứ Năm nên mọi sinh hoạt có vẻ chìm lắng, mọi người mải miết làm việc, ít
người ra đường vui chơi giải trí. Văn phòng United Cambodian Community đóng cửa
nên chúng tôi không gặp được ai để hỏi chuyện. Tầng dưới của United Cambodian
Community là một tiệm làm đẹp cho phụ nữ, cho thuê áo cưới. Mặt tiền của tiệm
mang đậm nét văn hóa Khmer Krom với bức bích họa lớn vẽ hình Apsara (vũ nữ trên
trời), con voi, mặt người Angkor Wat.
Người ta thường nói muốn biết mặt bằng
văn hóa, đời sống cư dân của một cộng đồng như thế nào thì không phải đến nhà
văn hóa, đến rạp hát, đến trường học..., mà là đến chợ. Chính cái chợ phản ánh
trung thực nhất về văn hóa ứng xử, mức sống của cư dân quanh nó giàu hay nghèo.
Chúng tôi dạo một vòng quanh chợ Riverside Supermarket và K-H Supermarket trong
khu Little Phnom Penh (cách United Cambodian Community chỉ khoảng năm phút lái
xe) và nhận thấy parking chợ chỉ đủ để đậu khoảng mười chiếc xe một lúc, trong
khi parking chợ Việt ở Little Sài Gòn có thể đậu một lúc vài trăm chiếc xe. Bên
trong chợ bày bán rau củ quả tươi, thực phẩm tươi sống, bánh trái, thức ăn làm
sẳn còn nóng hổi, thức ăn đóng hộp, đóng gói, dụng cụ nhà bếp... y chang chợ Việt
ở Little Sài Gòn, nhưng quy mô chỉ bằng một phần tư chợ Việt. Nếu không biết
trước rằng đây là chợ của người Khmer Krom và nghe người trong chợ nói tiếng
Khmer, thì chúng ta có thể nghĩ rằng đây chính là chợ Việt thu nhỏ.
Nhà hàng Monorom (mà tôi cứ đọc lộn
tên là Norodom, họ đức vua Kampuchea) trong khu thương xá E Anaheim Dawson, bày
trí đặc trưng nét Kampuchea với các tranh vẽ, tượng Apsara, tượng Phật nhỏ bằng
đồng, đá trắng, kim loại mạ bạc. Họ tiếp khách vui vẻ, niềm nở, giao tiếp với
khách bằng tiếng Anh hoặc tiếng Khmer. Thực đơn cũng hai thứ tiếng như vậy.
Không rành về món ăn Kampuchea nên chúng tôi kêu đại hai tô bò kho bánh mì, giá
mỗi tô $7,5. Giá cả ở đây tương đương Little Sài Gòn, mỗi phần ăn không hơn
$10. Phải công nhận bò kho bánh mì ở đây cách nấu cũng y chang người Việt, khác
ở chổ bánh mì hơi bở, và họ chỉ cho khách chanh tươi mà ko có muối ớt (hoặc muối
tiêu) ăn kèm.
Công viên cũng nhỏ xíu, đi bộ từ đầu
này đến đầu kia mất 10 phút là hết. Ưu điểm của nó là có những cây (không biết
tên gì) thân thì không lớn (chứng tỏ chưa trồng lâu năm) nhưng tàng cây rất lớn,
tỏa bóng mát rượi. Hai giờ chiều là thời điểm nóng nhất trong ngày, ở đâu cũng
nóng, bước vô công viên này, dưới bóng cây gió mát rười rượi, chỉ muốn nằm xuống
gốc cây mà ngủ.
Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy trạm
xe lửa lộ thiên chính giữa con đường Long Beach Boulevard với hai tuyến đường
ray song song nhau. Như vậy, hai xe lửa có thể cùng lúc chạy ngược chiều nhau
mà không cần phải vô nhà ga tránh nhau. Ở Little Sài Gòn không có nhà ga xe lửa
lẫn trạm xe lửa như thế này. Tôi đứng nhìn, thấy cách mười lăm phút có một chuyến
xe lửa chạy qua. Khách đứng chờ ở trạm lộ thiên cứ thấy xe dừng là leo lên liền,
rồi xe chạy tiếp, y như là xe bus vậy.
Điểm cuối cùng chúng tôi dừng chân
trước khi kết thúc chuyến tham quan Little Phnom Penh là tiệm phở 881 của ông
chủ người Việt trong khu thương xá E Anaheim, đường Anaheim.
Little Phnom Penh có tiệm của người
Việt, người Thái, người Ấn, người Phi, người Mễ, nhưng tiệm
Mỹ thì khan hiếm. Có duy nhất một tiệm McDonald, không có coffee Starbuck,
Walmark, Target như Little Sài Gòn. Phải chăng các nhà kinh doanh Mỹ không “tấn
công” được vào Little Phnom Penh?
No comments:
Post a Comment