Little
Saigon (VanHoaNBLV) – Miền
Tây Nam bộ từ thời khai hoang lập ấp cách đây hơn 300 năm vốn được coi là xứ
“trên cơm dưới cá”, dân tình làm chơi chơi mà ăn thiệt. Loài vật sinh sôi nảy
nở tự nhiên, thứ gì cũng nhiều thiệt nhiều. Phàm con gì sống lâu, sống dai quá,
người ta đồn nó khôn ngoan đến mức thành tinh (yêu tinh), nên mới có câu vè: “Muỗi
kêu như sáo thổi/ Đỉa lội tợ bánh canh/ Cỏ mọc cọng thành tinh/ Rắn đồng đà
biết gáy”. Rắn mà biết gáy là ý nói con rắn nó lớn, nó già như thế
nào rồi.
Nhà báo Tạ Phong Tần cho biết thêm: “…Cách đây 20 năm, tôi theo đứa em bà con chú bác về quê miệt
Cà Mau chơi. Thấy nhà nó sáng sớm đã nấu nồi cơm bự tổ bố trên bếp rồi ủ tro
nóng để đó. Nó lấy cái giỏ tre đeo lên lưng, bước ra cửa vừa đi vừa nói: “Chế ở
nhà coi chừng nhà. Tui đi kiếm món gì về ăn cơm”. Tôi nhìn quanh thấy nhà nó
đâu có món gì quý giá phải “coi chừng” đâu, trừ ba bốn con chó vàng, chó đen
ngồi chồm hổm trước hàng ba. Tôi hỏi nó: “Kiếm ở đâu dị? Tao đi với”. Nó nói:
“Tui đi bắt đẻn, rắn gì cũng được, bắt được con nào xào con nấy”. Ý trời, nghe
nói đẻn là phát ớn, thôi không đi nữa. Quả thật, nó đi chừng 30 phút thì trở về
thảy giỏ xuống đất cái ạch, trong giỏ đã có 3-4 con đẻn bự bằng cườm tay da rằn
ri trắng đen nằm cuộn quấn xà nùi với nhau. Nó lôi ra nấu nước sôi làm thịt,
rồi chặt khúc kho tương ăn với chuối ghém bóp giấm đường. Nó nói: “Ở đây không
có đi chợ mỗi ngày đâu. Sáng nay ăn đẻn, trưa lấy mắm chua trong khạp ra ăn đến
chiều. Mai tui đi nhổ mấy cần câu cắm bắt cá lóc đem về nấu canh chua”.
Người
“yếu bóng vía” thấy rắn là sợ chạy mất dép. Rắn có loại lành cắn không chết,
loại độc cắn chết ngay hoặc vài ngày sau mới “theo ông theo bà” nếu không cứu
chữa kịp thời. Bề ngoài rắn cũng không dễ thương chút nào. Nếu không phải là
tay chuyên bắt rắn, thì không ai dám nói mình thích con rắn như thích gà, thích
vịt hay thích trâu, heo, chó, mèo… Dân Cà Mau kêu rắn biển là đẻn. Con đẻn nhìn
hình dạng nó còn xấu xí hơn con rắn nữa, mà nó cũng độc hơn rắn nhiều. Có người
đi lặn biển bắt cá, rủi gặp phải đẻn mà phản ứng không kịp, nó cắn cho một
phát, khi lên tàu một lúc đã lăn đùng ra chết mà tàu còn chưa kịp về đến
bờ. Tôi hỏi nó: “Sao mày không bắt rắn hổ về nấu cháo ăn”. Nó nói: “Tháng
này chưa tới mùa gặt lúa, chuột đồng chưa ra nhiều, khó bắt rắn lắm. Rắn hổ là
chúa bắt chuột đồng đó”.
Xứ này, nông dân muốn ăn rắn chịu
khó săn lùng một chút là kiếm được dễ dàng. Không phải mùa chuột đồng, thức ăn
khan hiếm, rắn thường vào chuồng gà bắt gà, vịt ăn. Riêng về rắn hổ đã có nhiều
loại là hổ đất, hổ mây, hổ ngựa, hổ hành. Rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh là ngon
nhất…”
No comments:
Post a Comment