Little
Saigon (VanHoaNBLV) – Người
miền Tây Nam bộ có câu hát vui rằng: “Chèo ghe bán cá lòng tong, mũi chảy lòng
thòng chẳng có ai mua”. Ghe là một loại xuồng lớn, thân rộng và bầu, mũi thấp,
thường dùng để vận tải lúa gạo, củi trên sông. Còn cá lòng tong thì lại nhỏ xíu
bằng đầu đũa, chẳng ai lấy ghe mà chở cá lòng tong bao giờ, làm gì có nhiều cá
lòng tong đến mức phải chở bằng ghe. Mũi chảy lòng thòng thì đích thị là mấy
đứa con nít “thò lò mũi xanh” làm chuyện “ruồi bu kiến đậu”, hổng ai mua là
đúng rồi.
Nhà báo Tạ Phong Tần cho biết thêm: “… Hồi nhỏ, tôi hay nghe bà ngoại nói: “Hồi trẻ tao mê coi hát,
hổng có tiền mua vé ngồi ở trên, mua được vé ngồi ghế hạng cá kèo là mừng húm”.
Hạng ghế cá kèo là hạng bét nhứt, thấp nhứt, ngồi ở tầng hai mà còn xa biệt
dục, nhìn lên sân khấu thấy nghệ sĩ đi tới đi lui nhỏ xíu như con búp bê, người
xem không thể nhìn rõ mặt. Cá kèo đã bị coi là nhỏ rồi, nhưng con cá kèo còn bự
hơn con cá lòng tong gấp mấy lần nữa. Con cá lòng tong nhỏ bé như thế, nên mới
có câu ca: “Thiếp như con cá lòng tong/ Đói đem kho quẹt đỡ lòng trống không”.
Cư dân mạng còn lưu truyền câu chuyện khôi
hài về cái sự “nhỏ” của cá lòng tong như sau: “Ông Tý (mới đi bộ đội về) gắp một
mớ cá lòng tong kho tiêu vào chén. Ông hỏi:”Cá nầy là cá gì mà ngon quá. Kho
tiêu cay, ăn thấm miệng”. Bà chị dâu ông cười và trả lời: “Đây là cá lòng tong”. – “Cá lòng tong là cá
gì?”. – “Là một loại cá voi, đã được sống trong xã hội chủ nghĩa lâu năm”.
Nghe nói ở miệt sông Tiền, sông Hậu nước ngọt,
khi mùa nước nổi bắt đầu dâng ở đầu nguồn ngập các bờ bãi ven sông là thời điểm
bắt đầu của mùa cá lòng tong. Mùa này kéo dài cho đến cuối năm âm lịch. Để bắt
cá lòng tong, người ta đào một cái ao rộng khoảng mười mét vuông, mở một cửa có
rãnh nhỏ, ngắn dẫn ra sông (hoặc kênh, rạch). Nơi rãnh tiếp giáp kinh, rạch được
chặn lại bằng một tấm lưới cứng mắt dày hoặc tấm phên tre. Khi nước lớn, người
ta rút tấm lưới (phên tre) lên, nước vào đầy ao thì hạ tấm lưới (phên tre) xuống.
Khi nước ròng rút ra ngoài thì cá bị giữ lại trong ao, chỉ việc dùng vợt lớn để
xúc hay dùng tấm vải mùng lớn, hai người cầm hai bên lội dưới ao kéo qua một
cái là cá dính vào đầy tấm vải.
Quê tôi vốn sát bờ biển, các con sông, kênh đều
có hai mùa nước lợ và nước mặn. Nước sông chỉ ngọt khi đầu mùa nước nổi, mưa thật
lớn, nước tràn trề từ sông Tiền sông Hậu đổ về thì nước mới ngọt được vài ngày.
Đây cũng là lúc các loại cá đồng, trong đó có cá lòng tong từ thượng nguồn trôi
xuống tấp vô các ao hồ, đồng ruộng rồi sống luôn ở đó, chớ trôi ra sông gặp nước
mặn từ cửa biển ập vào là lòng tong sống hổng nổi. Vì vậy mà cách bắt cá lòng
tong quê tôi cũng khác hơn thiên hạ…”
No comments:
Post a Comment