Little Saigon (VanHoaNBLV) –
Nhà báo Tạ Phong Tần tâm sự: “…Tôi có người bạn cũng dân làm báo, gốc gác ở Sài
Gòn. Anh kể sau ngày 30/4/1975 mấy anh chị em của anh ấy đều đi Thanh Niên Xung
Phong hết. Tôi hỏi: “Dân Sài Gòn gốc biết gì về lý tưởng cộng sản, sao anh chị
em nhà anh “sung” quá vậy?”. Anh này nói: “Lý tưởng con mẹ gì. Không đi để chết
đói à? Nhà ai có người từ mười tám tuổi trở lên nó bắt phải đăng ký đi Thanh
Niên Xung Phong nó mới phát tem phiếu cho mua gạo, chớ “xung phong” hồi nào. Đi
khai hoang lao động ở trên núi rừng mấy năm, cực quá trời không chịu nổi mà vẫn
đói, nên trốn về Sài Gòn hết. Đi buôn lậu từng lon gạo, từng cái tem phiếu. Đó
là khoảng thời gian đau thương, mất mát nhiều nhất trong gia đình”.
Sài Gòn như vậy, thôn quê cũng đói có khác gì đâu. Năm 1978, nhà tôi ở thị xã Bạc Liêu, thuộc tỉnh Minh Hải. Nếu như dân Sài Gòn còn được xếp hàng mua bánh mì, mua gạo, các loại thực phẩm khác theo tem phiếu, thì thị xã Bạc Liêu là chổ nửa quê nửa chợ. Nói là quê thì không phải vì có ai “mần ruộng” đâu, làm thợ thủ công, làm dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ, không ai có một cục đất chọi chim; mà nói là chợ thì có được bao nhiêu người để kinh doanh buôn bán cho nó sầm uất, giàu có. Thời điểm này lại bị “ngăn sông cấm chợ”, người trong quê “mần ruộng” có lúa đem ra chợ bán bị bắt, tịch thu. Người ở chợ có tiền muốn mua gạo không biết mua ở đâu để ăn. Mua gạo, mua thuốc uống cũng phải mua “chợ đen”, lén lét lút lút như đi ăn trộm.”
Nói về Rau trai đồng, Nhà
báo Tạ Phong Tần cho biết: “…Từ xưa, chuyện cổ tích kể ai nhà nghèo đều làm nghề
“mò cua bắt ốc” hết. Tôi nghĩ những người “mò cua bắt ốc” đó cũng còn giàu hơn
nhà tôi, ít ra thì cũng có chổ mà mò, mà bắt, nhà tôi không ruộng không vườn,
biết mò, biết bắt ở đâu? Ruộng nhà người ta người ta còn mò không đủ ăn, có ai
đâu cho mình xuống mò.
Tôi xách theo cái giỏ đệm bự, đi dài dài theo đường, thấy chổ nào thưa nhà dân có những đám cỏ lớn thì bang vô, trong đám cỏ đó thế nào cũng có rau ăn được. Nhìn bên ngoài không thấy gì, vạch ra rau trai, rau diệu, rau sam mọc ken dày trong đó, nhiều nhứt là rau trai. Rau này có nhiều do nó màu xanh mọc lẫn với cỏ nên ít ai để ý, thứ nữa là có mấy người biết loại này ăn được, trong Đông y nó là một vị thuốc vị ngọt, tính hàn, làm nhuận tràng, mát gan. Ông ngoại tôi sinh thời vừa là ông giáo làng vừa là một thầy thuốc Đông y chuyên bốc thuốc từ thiện cho chùa. Có lần, bà ngoại tôi chỉ cây rau trai cho tôi thấy, nói: “Ông ngoại mày nói rau trai này luộc ăn ngon lắm”. Rau này ít người biết, lá nó lớn cỡ ngón tay, đầu thuôn nhọn lại, mỏng mỏng, cuốn lá mỏng bao quanh thân, thân nó tròn lớn hơn cái tăm xỉa răng một chút.
Tôi cứ vậy mà ngắt phần đọt non của nó ém vô giỏ cho tới khi đầy chặt thì thôi. Về nhà, rửa sạch, giũ cho ráo nước rồi nhận vô nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp. Chờ một lúc cho rau chín thì bưng nồi xuống, múc ra la liệt tô chén, cả nhà ăn với muối cục, chớ nước mắm cũng không có nữa. Một lon gạo mà “cõng” đến một giỏ rau, nhìn vô nồi cháo không thấy gạo đâu, thấy toàn rau trai, rau diệu xanh lè. Đang khi đói rã họng, cái gì ăn vô mà không chết lại chẳng ngon. Cháo nóng, rau xanh, muối trắng nhai rồn rột. Nói ăn cháo mà nhai rồn rột chớ không phải húp soàn soạt là vì tô cháo toàn những rau trai là rau trai. Rau này vào miệng cảm giác hơi nham nhám, giòn giòn, cứng cứng, mềm mềm, ngọt ngọt, không có độ nhớt như lá rau muống. Vậy mà ăn nhiều phát ghiền, riết rồi đâm mê cái vị nhám nhám, giòn giòn của nó. Hôm nào có chút đỉnh tiền, mẹ tôi kêu đi mua rau muống mà ăn đừng hái rau trai nữa cực lắm, riêng tôi không có rau trai cảm giác ăn mất ngon…”
Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt ghi lại bằng video buổi diễn đọc của Tạ Phong Tần, Nhà Báo Tự Do, Blog Sự Thật Và Công Lý về đề tài nêu trên vào chiều ngày 19 tháng 01 năm 2018 tại một địa điểm thuộc Thành phố Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment