Little Saigon
(VanHoaNBLV) – Nhà báo Tạ Phong Tần viết: “Đã là người Việt thì không ai mà
không biết con cua đồng. Trong các câu chuyện cổ tích, hễ nói đến người nghèo
không ruộng đất, không tài sản, không nghề nghiệp thì nhân vật thường kiếm sống
bằng cách “mò cua bắt ốc”. Cua đồng và ốc lác (ốc nhồi) bị coi là loại thức ăn
kém cỏi chỉ dành cho tầng lớp nông dân, làm thuê nghèo khó.
Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt ghi lại bằng
video buổi diễn đọc của Tạ Phong Tần, Nhà Báo Tự Do, Blog Sự Thật Và Công Lý về
đề tài nêu trên vào chiều ngày 19 tháng 01 năm 2018 tại một địa điểm thuộc
Thành phố Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ.
Cua đồng sinh
sống rải rác khắp nơi trên đồng lúa. Cua ở hang, hang cua là những lỗ tròn sâu
đến ba bốn tấc, nằm theo chân bờ ruộng do cua tự đào. Khi có tiếng động cua
chui vào hang ẩn náu, khi yên lặng cua bò ra ngoài kiếm ăn. Cua đực màu nâu
hồng, một càng lớn một một càng nhỏ, yếm nhỏ hình chữ V. Cua đực lớn hơn cua
cái, vỏ cũng dày và cứng hơn. Cua cái màu vàng xỉn, hai càng đều nhau, yếm rộng
tròn trùm hết mặt dưới bụng cua.
“Một hòn đất
nỏ bằng một giỏ phân”. Sau khi gặt hết lúa ngoài ruộng, dưới sức nóng hầm hập
của mặt trời, rạ và đất ruộng đều khô rang, nứt nẻ. Nông dân cày đất úp rạ
xuống phía dưới, phơi đất khô để rạ trở thành phân cho mùa lúa năm sau. Lúc
này, không biết lũ cua trốn đi đâu, nhưng đến mùa mưa, chỉ cần vài ba trận lớn
đầu mùa, ruộng ngập nước thì cua đồng ở đâu lũ lượt chui ra hằng hà sa số.
Mỗi lần nhớ về
tuổi ấu thơ, trong tiềm thức tôi lại nôn nao cái cảm giác “lòng không dạ trống”
những ngày dài đói kém, cảm giác khắc khoải chờ đợi những cơn mưa lớn đầu mùa
đem lại món cua đồng ngon ngọt, ngất ngây. Lũ trẻ chúng tôi khoái nhất là thời
gian này, có cua làm đủ thứ món ngon ăn bù vào những ngày “ngóng mỏ”. Ngày nào
hễ trông thấy có đám mây đen thật lớn, nổi cục bự bự, vần vũ sà xuống thiếu
điều đụng đất, gió thổi ào ào cát bay đá chạy, thì chúng tôi lại í ới nhau đứa
xách thùng thiếc, đứa xách bao ni-lông kéo nhau ra ruộng bắt cua đồng. Vừa có
cua đem về nhà làm món ăn, vừa được đi chơi, tắm mưa, lội sông thỏa thích. Bao
dệt bằng ni-lông để đựng gạo, mỗi bao đong đầy gạo là 50 ký. Thùng thiếc là
thùng gánh nước (20 lít) làm bằng tấm tôn lợp nhà (thường kêu bằng tấm thiếc)
gò lại, đóng thêm cái cây ngang miệng thùng, cột dây thừng vô, hai thùng móc
vào hai đầu cái đòn gánh tre để gánh nước…”
No comments:
Post a Comment