Hôm 22/9/2015 (tức 3 ngày sau khi Tạ Phong Tần đến Mỹ), ông nhà
báo Đinh Quang Anh Thái thông báo cho tôi biết là đã nhờ Điếu Cày chở tôi đến
Văn phòng Giám sát viên quận Cam-ông Andrew Đỗ vì ông ấy muốn gặp Tạ Phong Tần.
Tôi nghĩ ông Andrew Đỗ là người đại diện cho cư dân quận Cam (dân cử) tôi mới
đến cũng nên gặp ông để chào hỏi cho phải phép, nên tôi đồng ý.
Không có ai thông báo cho tôi biết chương trình như thế nào.
Thật bất ngờ, khi tôi vừa bước vào phòng làm việc thì ông Andrew Đỗ tươi cười
đi nhanh lại phía tôi, giơ tay bắt tay tôi thật chặt như gặp người thân từ xa
mới về. Tôi chỉ là một người bình thường, nếu tôi trở thành công dân Mỹ thì tôi
cũng là một công dân bình thường như tất cả cư dân quận Cam chớ có danh vọng,
địa vị, tiền bạc, chức vụ gì mà ông Andrew Đỗ phải xun xoe cầu cạnh tôi. Cách
hành xử của ông Andrew Đỗ làm tôi nhớ lại khi tôi ở Việt Nam, 47 năm qua chưa
có quan chức dân cử nào đối xử với tôi như vậy dù tôi cũng là đảng viên, cán bộ
công chức nhà nước.
Bỏ qua các câu xã giao ông Andrew Đỗ hỏi thăm sức khỏe, tình
hình này nọ đi cho nó nhanh, cái này báo, đài đã tường thuật rồi. Tôi chỉ kể
lại tình tiết mà báo, đài không nói thôi.
Là thế này, ông Andrew Đỗ nói tiếng Việt không sỏi lắm, nhưng
ông cố gắng nói bằng tiếng Việt cho tôi hiểu và trịnh trọng đứng dậy trao cho
tôi tấm khung kiếng to đùng (xem hình kèm theo) và một lá đại kỳ VNCH, một huy
hiệu của Văn phòng Giám sát viên quận Cam. Tôi cũng dứng dậy nhận một cách trân
trọng bằng hai tay và cám ơn ông Andrew Đỗ.
Lúc này, trong phòng có năm, sáu người là phóng viên báo, đài.
Tôi khẳng định như vậy vì tôi thấy tay họ cầm máy ảnh chuyên dùng, camera và
micro. Lúc này tôi không biết họ là ai, tên gì, báo đài nào, nhưng thấy họ liên
tục bấm máy ảnh, chỉa camera về phía tôi và ông Andrew Đỗ. Có vài người muốn
phỏng vấn tôi, nhưng ông Điếu Cày che chắn họ, giơ hai tay chéo nhau trước mặt
tôi để làm hiệu kêu tôi đừng trả lời phỏng vấn, đồ thời hối tôi đi về sớm.
Trước đó, ông Điếu Cày đã nói với tôi: “Anh qua đây trước nên
biết ai là cộng sản, ai không cộng sản. Em muốn gặp ai, muốn trả lời phỏng vấn
thì phải hỏi ý kiến anh trước. Coi chừng nó là cộng sản.” Tôi nghe vậy bực tức
đã phản bác lại rằng: “Nó cộng sản cũng kệ cha nó, tại sao trong nước không sợ
cộng sản mà qua đây sợ cộng sản. Kể cả tụi báo Nhân Dân hay VTV là phỏng vấn
cũng chơi luôn, quan trọng là nó dám đăng nguyên xi câu trả lời hay không
thôi.” Nổi nóng nhưng không muốn cãi, mình ở trong nước đã mất quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí rồi, nhưng tôi vẫn cứ trả lời phỏng vấn các đài, báo hải
ngoại. Tự dưng qua đây xứ tự do mà mất quyền ăn nói của mình là sao?
Vì vậy, thấy thái độ ngăn cản báo chí của ông Điếu Cày thì tôi
nhất định phải trả lời phỏng vấn cho bằng được. Tôi giơ tay lên nói lớn: “Cho
tôi chút ý kiến. Tôi muốn nói về cảm nghĩ của tôi”. Lập tức, có mấy cái micro
chỉa về phía tôi. Tôi nói to, chậm rãi, nhấn mạnh từng tiếng rằng:
“Tôi
rất vinh dự được nhận lá cờ này… Lá cờ này ở miền Nam trước đây đã cho người
dân quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Có thể nói lá cờ này đại diện cho
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người Việt Nam. Ở Việt Nam chúng tôi
bị cộng sản cướp mất quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận. Lá cờ này,
tượng trưng cho người Việt hải ngoại, đã giúp tôi ngày hôm nay có quyền tự do
đó”.
Chúng tôi đi về. Sau này tôi mới biết trong số phóng viên ngày
hôm đó có ông Đoàn Trọng và ông Trần Nhật Phong. Cái khung, lá cờ tôi vẫn
giữ, còn huy hiệu thì tôi đã tặng cho một người bạn bên Úc có sở thích sưu tầm
huy hiệu lạ rồi.
28/2/2018
Tạ Phong Tần
https://hr4vn.me/2018/02/28/dieucay-4/
No comments:
Post a Comment