Tháng rồi, tui được tặng một bộ Cựu Ước 2
quyển nặng cỡ bốn ký lô (hổng biết có nhắm chừng quá hay không) và một quyển
Tân Ước. Sách này khác với các sách mới xuất bản đang bày bán ở Nhà sách bởi lẽ
nó được in lần đầu năm 1975, bản dịch của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn – Dòng Chúa
Cứu Thế – Sài Gòn. Ngoài văn phong, cách diễn đạt, trình bày, các tên riêng của
người, địa danh hầu như không phiên âm tiếng Việt mà giữ gần nguyên bản gốc
tiếng Hípri. Hình như lâu lắm rồi chủ nhân không dở sách ra đọc nên bao da bên
ngoài bám đầy bụi và lên mùi mốc. Gia chủ bảo nhà có đến hai bộ giống thế này
nên tặng tui một bộ, nghe nói các Thầy, các Cha ở Học viện DCCT đang dùng bộ
sách này để học và giảng hàng ngày. Tui hí hửng quá chừng, đỡ tốn tiền mua mà.
Thời buổi khủng hoảng “gas quế gạo châu”, cần phải triệt để thực hiện nguyên
tắc: “Tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm”, nếu không thì dễ bị bệnh thủng
túi lắm.
Đêm qua, tui đem quyển Cựu Ước 1 ra, mới đọc
đoạn đầu của cuốn Khởi Nguyên, phần Thiên Chúa tạo thành Trời Đất và con người
đầu tiên như thế nào; không biết có phải vì ánh sáng yếu, chữ nhỏ quá, sách
nặng quá mà dễ mờ mắt, mỏi tay hay “cầu được ước thấy” mà mới đọc có mấy trang
tui đã nhắm mắt ngủ khì. Thần trí lơ mơ, nhẹ bỗng, thấy mình đang đi phiêu
phiêu nhẹ nhàng trên con đường nhỏ giữa cánh đồng xanh mướt, mát mẻ, xung quanh
chim hót líu lo, bướm lượn chập chờn thiệt là vui mắt. Cứ đi tới, đi tới, đi
tới, thình lình thấy cuối con đường hiện ra trước mặt tui cái cổng thiệt bự,
trên bảng đề hai chữ “Thiên Đàng”. Lạ quá, “Thiên Đàng” mà còn viết bằng
chữ Việt nữa, chẳng lẽ mình đi lạc vào chổ người ta đang thiết kế sân khấu hài
ngoài trời sao? Nhìn vô trong, sương khói mịt mờ không rõ bóng người, có lẽ họ
muốn cản trở người lạ dòm ngó rồi “nhiều chuyện” chăng?
Tui đương đứng lấp ló ngoài cổng chờ coi có ai
ra để hỏi thăm sự lạ thì thấy lù lù từ trong cổng bước ra một cụ ông vóc dáng
cao lớn, mắt sâu mày rậm, mũi to, râu bạc mọc mất lút mồm, tóc trắng như cước
hơi xoăn dài bù xù như cái bờm sư tử đực, mặc áo màu xám xanh dài đến gót chân
kiểu xưa tui thường thấy trong mấy bức tranh vẽ thời Phục Hưng. Nhìn cụ tui
thấy sao có nét quen quen quá chừng, phải mất mấy phút tui mới nhớ ra là hồi
nhỏ tui thường thấy ảnh cụ trong lớp học của tui. Cái bức hình mà người ta hay
kể chuyện tiếu lâm là: “Trước ảnh Bác và hai ông Tây, chúng tôi xin thề…”. Thì
ra nhìn cụ lạ là vì cái áo mới.
Tui bèn chạy theo:
– Cháu chào cụ. Cụ có phải là cụ Karl Marx,
cha đẻ của học thuyết chủ nghĩa cộng sản nổi tiếng thế giới hay không?
Cụ đứng lại nhìn tui, trả lời:
– Phải, chính là lão đây.
Tui hỏi tiếp:
– Cụ ơi, ở đây có phải là Thiên Đàng thiệt
hông? Sao Thiên đàng mà cũng dùng chữ Việt? Ủa, mà cháu nói tiếng Việt, cụ là
người Đức mà, sao cụ cũng nghe được? Cụ ơi, học hồi nào mà cụ nói tiếng Việt
giỏi quá dzị?
Cụ Marx cười ha ha rồi nói:
– Hồi mới lên đây lão cũng hỏi mấy câu y như
cháu vậy đó. Sao Thiên Đường mà dùng chữ Đức? Sao Thánh Pie giữ cổng lại nói
tiếng Đức? Thánh Pie mới nói rằng Thiên Đàng xài chung một thứ chữ viết, một
thứ tiếng nói, bất cứ dân tộc nào lên đây cũng đều được Thiên Chúa ban cho tràn
đầy Thánh Thần nên chữ nào, tiếng nào nhìn cũng thấy giống như tiếng mẹ đẻ của
mình thui. Hồi mới tạo ra con người trên mặt đất, con người chỉ dùng một thứ
tiếng nói. Sau đó, con người muốn “chơi trội”, cùng nhau xây một cái tháp thiệt
là cao để leo lên trời. Thiên Chúa giận bèn cho mỗi nhóm người nói một thứ
tiếng khác nhau để họ không hiểu nhau, dẹp cái chuyện xây tháp leo lên trời
luôn.
Tui reo lên:
– Cụ nói đúng quá, cháu nhớ ra rồi, trong Tân
Ước cũng có viết sau khi Chúa Giê-su phục sinh, Người đã ban Thần Khí cho các
Thánh Tông đồ là người Do Thái được nói nhiều thứ tiếng lạ khác nhau để đi khắp
nơi rao giảng Tin Mừng. Thiên Chúa cho nói nhiều thứ tiếng khác, rồi lại cho
cùng nhau hiểu một thứ tiếng cũng là chuyện bình thường thôi. Cụ Marx
ơi, mười mấy năm đi học, cháu khổ sở nhồi nhét thi cử cái học thuyết của
cụ gần chết. Hồi sinh tiền cụ là người chủ trương vô thần mà, sao bây giờ cụ
lại có mặt ở đây và có vẻ rành rẽ Kinh Thánh quá? Cụ có thể vui lòng dành cho
cháu một cuộc phỏng vấn bỏ túi được không?
Cụ Marx lại cười hì hì:
– Được, được! Lão rất là vui lòng. Bây giờ lão
rất rảnh, suốt ngày chỉ đi ra đi vô “hái hoa bắt bướm” thôi. An nhàn sung sướng
hưởng thụ tuổi già. Lâu ngày không ai nhắc lại chuyện xưa của lão, nay có người
hỏi kể ra cũng thú vị, sẳn đây lão đính chính luôn những điều người trần gian
ngộ nhận về lão, mà lão thì nằm im dưới ba thước đất rồi, đâu có ngồi dậy mà
cãi lại chúng được. Còn bọn ấy thì đời nào chúng được lên Thiên Đàng mà hòng
gặp gỡ, rầy la, mắng mỏ chúng.
Tôi mừng rơn, được nước lấn tới:
– Vậy là cháu bắt đầu hỏi cụ nhe! Câu thứ nhất
là: Xin cụ Karl Marx cho Nhà báo Tự Do biết nguyên nhân nào cụ
sáng tạo ra học thuyết chủ nghĩa cộng sản?
Cụ Marx: Lão sinh năm 1.818 bên bờ sông Rhine thơ
mộng nước Phổ. Cha mẹ lão giàu có và theo đạo Thiên Chúa, nhưng đến khi lão
trưởng thành thì gia đình suy sụp, túng thiếu. Năm 20 tuổi, lão bắt đầu yêu
tiểu thư Jenny xinh đẹp và giàu có. Gia đình Jenny không chấp nhận lão, cho dù
lão đã hết sức nhẫn nhịn, cố gắng đạt được nhiều bằng cấp, học vị nhưng họ cũng
chẳng coi bằng cấp của lão là cái đinh gì. Vì vậy, lão quyết chí làm một cái gì
đó nổi đình nổi đám, khác người để bọn họ phải nể mặt lão. Hồi xưa Nero dám đốt
cả Roma để lấy cảm hứng làm thơ thì tại sao lão lại không dám đẻ ra một cái học
thuyết, cho dù nó mơ hồ và viễn vông, làm quà cưới dâng dưới chân người đẹp.
Nhờ vậy mà năm 25 tuổi lão cưới được Jenny đấy.
Tui: Thưa cụ Marx, lúc đó cụ có thật sự muốn làm “chính
trị chính em”, xóa bỏ toàn bộ quyền tư hữu hay xây dựng thế giới đại đồng gì đó
hay không?
Cụ Marx: Đương nhiên là không. Lão chỉ nói thế
thôi, “lật đổ bằng bạo lực toàn thể trật tự xã hội đương thời” ư? Sẽ có biết
bao người vô tội chết thảm, tàn nhẫn lắm, dù sao gia đình lão cũng là người có
đạo. Cũng chính nhờ cái sự tư sản của bạn thân lão- tức lão Engels, mà lão an
tâm sống và viết. Engels chu cấp tiền bạc cho gia đình lão.
Tui: Có người nói rằng chuyện cụ Marx và cụ Engels đều coi
cuốn “Tư Bản Luận” là “cuốn sách bị nguyền rủa” (the damned book) bởi vì nó sẽ
mang lại một “cơn ác mộng”, là “thế lực thù địch” bịa đặt nói xấu hai cụ. Thưa
cụ, điều ấy có đúng không?
Cụ Marx: Thằng nào dám láo lếu bảo rằng “thế lực thù địch” bịa chuyện?
Nói cho tao biết tao vả gãy răng nó. Tụi tao không có quyền đánh giá lại việc
làm của mình à?
Tui: Cụ ơi, cụ đừng nóng, bình tĩnh lại nào. Cụ đã khẳng định
như thế thì để cháu truyền đạt lại nguyên văn cho đúng ý cụ. Thưa cụ, theo học
thuyết của cụ thì xã hội loài người trong chủ nghĩa cộng sản là một xã hội xóa
bỏ tất cả quyền tư hữu, quyền thừa kế, xóa bỏ tôn giáo… để tiến tới một xã hội
“làm chủ tập thể” về mọi phương diện? Theo cụ, điều đó có thực tế và có đúng
không?
Cụ Marx: Tiếc rằng lúc sinh thời lão không biết chữ của người
phương Đông, không đọc được câu “Cha chung không ai khóc” được đúc rút từ kinh
nghiệm của ông cha mấy ngàn năm để lại. Nếu biết thì lão đã không làm những
việc lão đã làm. Cái gì cũng tập thể, cũng chung thì mạnh ai nấy làm biếng,
mạnh ai nấy ăn cắp đem về nhà mình, thì chỉ có phá nát chớ tiến bộ, phát triển
gì được.
Tui: Thưa cụ Marx, nghe nói cụ từ trần vào năm
1.883. Trước khi mất, cụ đã nói: “Tôi không còn theo lý thuyết của Marx” (Je ne
suis plus Marxiste). Còn một trong những người con gái của cụ, lúc đầu cũng
theo tư tưởng của cụ, sau lúc cụ về già thì cô ấy lại bỏ, trở về với đạo của
ông bà, tổ tiên là Do Thái giáo?
Cụ Marx: Chuyện này thì đúng. Người phương Đông có câu: “Điểu chi
tương tử kỳ minh giã ai, nhơn chi tương tử kỳ ngôn giã thiện”, giải thích ra là
“Con chim sắp chết thì tiếng kêu bi thương, con người sắp chết thì nói lời nói
phải”. Câu lão nói lúc sắp chết mới là lời nói thật lòng của lão đó.
Tui: Xin cụ cho biết thêm: Từ người vô thần cụ trở lại thờ lạy
Thiên Chúa từ lúc nào, vì sao cụ được lên Thiên đàng?
Cụ Marx: Từ lúc lão tuyên bố mình không phải là một
người Marxiste. Mỗi người khi sinh ra đã mặc nhiên là chiên của Chúa, chỉ
có con người từ bỏ Thiên Chúa, chớ Thiên Chúa không bao giờ bỏ con người. Nếu
con người biết chân thành sám hối, trở lại dưới chân Thiên Chúa thì Thiên Chúa
sẽ mở rộng đôi tay để đón con chiên lạc lối trở lại nhà. Vì vậy mà lão được lên
Thiên đàng.
Tui: Thưa cụ Marx, cụ có trông thấy cụ Lênin ở trong Thiên
đàng không?
Cụ Marx: Thôi đừng nhắc đến tên ấy nữa. Nhắc đến lão sợ rùng cả
mình, tóc tai dựng ngược hết lên đây. May cho lão biết sớm ăn năn tội và trở về
nhận tổ quy tông nên lão mới chết an nhàn, chết thư thái, được chôn cất bên
cạnh Jenny yêu dấu của lão đàng hoàng, được lên Thiên đàng. À, Jenny hiện nay
cũng ở chung với lão đấy cháu ạ. Còn hắn thì chết không toàn thây, bị mổ phanh
bụng, mất hết lòng ruột, bị trấn nước nhúng lên nhúng xuống… Nghe đồn hiện giờ
mỗi ngày hắn vẫn đang chịu tội dưới Hỏa ngục, bị đốt cháy xèo xèo xèo, kêu gào
thảm thiết vì tội ác giết người hàng loạt gì đó. Lão mới vừa xem hình vụ thảm
sát hàng loạt ở khu rừng Katyn bên Ba Lan trên Internet, ghê quá. Thằng kia
chắc cũng lại ở cùng chổ với thằng nọ thôi, ác quá mà. Mà cháu có xem chưa? Lão
thấy, lão thấy…
Tui: Dạ, dạ. cháu xem hình rồi cụ ơi. Cụ đừng miêu tả nữa, cháu
cũng muốn chết khiếp rồi. Thôi cháu xin phép cụ, cháu đi đây. Cảm ơn cụ đã trả
lời phỏng vấn.
Cụ Marx: Khoan đi đã. Lâu lắm lão mới gặp người trần gian đến thăm
nói chuyện thời sự với lão. Ở chơi với lão vài tháng hẳng về…
Nghe đồn một ngày ở Thiên đàng bằng một năm hạ
giới, cụ Marx mời ở chơi vài tháng tui làm sao dám, trở về còn ai nhìn ra tui
nữa. Tui bèn co giò chạy thẳng về chốn trần gian, mặc cho ông cụ cứ giậm chân
gọi í a í ới. Vì vậy mà hôm nay tui mới ngồi đây kể chuyện này cho quý vị cùng
nghe.
Sài Gòn, ngày 26 tháng 01 năm 2010
Tạ Phong Tần
No comments:
Post a Comment