Lac Viet Humanistic Culture

Saturday, November 20, 2021

TRẦN NGUYÊN THAO – 47 TỈNH NGHÈO, ĐÓI. THẤT NGHIỆP CAO NHẤT TRONG 10 NĂM. GDP NĂM 2021 MẤT 70%

 



                   

 47 Tỉnh nghèo, đói.

Thất nghiệp cao nhất trong 10 năm.

GDP năm 2021 mất 70%

 

Trn nguyên Thao

Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ Đức Phước nói thẳng trước Quốc Hội “dư địa không còn nhiều” để tăng trần nợ công.  Nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong khi thu – chi ngân sách bắt đầu gặp khó khăn. Lao động thiếu hụt khoản 70% tại các vùng chủ lực như Saigon và các Tỉnh Miền Tây, sự thể này là lý do làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu, chi phí logistic tăng cao gây áp lực lên lạm phát. Tháng 9/2020, Việt Nam còn đưa ra nghị quyết dự kiến GDP năm 2021 sẽ đạt 6,5%. Nay dự báo GDP đến cuối năm 2021 chỉ vào khoảng 2% trong hoàn cảnh có đến 47 Tỉnh nghèo đói, vào lúc người thất nghiệp cao nhất trong 10 năm, trong khi dịch CoVid lại gia tăng trên toàn quốc.


Kiểm soát được dịch CoVid-19 mới có thể kích cầu Kinh Tế thành công. Dịch còn lây lan, doanh nghiệp sẽ mất tinh thần, hết đường xoay xở. Nhà cầm quyền các Tỉnh có dịch lây lan vẫn phải chăm chăm đưa ra những luật lệ riêng: “sáng đúng chiều sai, ngày mai lại đúng, anh em lúng túng chẳng biết đúng, sai”. Nạn giấy phép “con” mọc ra như rươi, nhất khoảnh trị vì “ngăn sông cấm chợ”, như thời kỳ “12 sứ quân”. Tiếc rằng lúc này Hoàng Đế Đinh Tiên Hoàng có đương kim hiển trị cũng phải “bó tay” trước cảnh hùng cứ mỗi phương của quan đỏ.

Tính tổng cộng từ khi đại dịch nổ ra đến nay 12/11, số người nhiễm CoVid thống kê được ở Việt Nam đã trên 1 triệu người, chính xác 1.049.086 trong đó có 22.925 người chết. Việt Nam đứng thứ 38 trong số hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ bị dịch bệnh ảnh hưởng.

Măc dù việc chích vaccine chống CoVid-19 được phát động mạnh mẽ, nhưng đường đồ thị về số ca nhiễm do Bộ Y-Tế công bố liên tục tăng lên, từ mức hơn 3.000 ca/ngày, lên khoảng 4.000 ca/ngày vào hôm 24/10, trên 5.000 ca hôm 31/10, và sau đó leo lên các mốc 6.000, 7.000 trong những ngày đầu tháng 11.

CSVN vừa đưa ra quy định mới áp dụng với đảng viên về “miễn nhiệm, từ chức”. Từ năm 1930, Đảng CSVN chưa hề có văn hóa từ chức, chỉ có đấu đá ám toán nhau để tranh đoạt lợi quyền. Chưa có đảng viên nào tự ý xin từ chức do biết xấu hổ về lỗi lầm của riêng mình như viên chức thuộc các chế độ Tự Do, Dân Chủ. Trong hoàn cảnh thể chế vẫn như cũ mà Nhà Nước chỉ thị đẩy mạnh Đầu Tư Công, từng gây nhiều tai tiếng như chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần, chưa khai thác đã hư hỏng. . . là mở đường cho cán bộ bòn rút của công thì không hy vọng Đầu Tư Công mang lại hiệu quả trong kích cầu nền Kinh Tế hậu CoVid-19.


Theo thông tin từ Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư (KH&ĐT), tính tới thời điểm này, quy mô giải ngân tổng cộng từ mọi gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam chỉ khoảng 2,85% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển: Australia 19%, Ấn Độ 8,6%, Đức 39,3%, Malaysia 16,3%, Indonesia 7,9%, Nhật Bản 56,1%, Hoa Kỳ 26,5%, Pháp 23,8%, Vương quốc Anh 17,8%, Thái Lan 10%, Trung cộng 4,7% và Ý 37,7%.

05/11: Quốc Hội chối “chưa nhận được văn bản đề nghị gói phục hồi kinh tế 800.000 tỷ đồng từ phía Chính Phủ” từng được truyền thông Nhà Nước rầm rộ loan tin trước đó 4 ngày.

09/11: khi ra trước Quốc Hội, người đứng đầu Bộ Tài chánh không nói gì đến gói kích cầu 800 ngàn tỷ đồng, tương dương 10% GDP, do Bộ KH&ĐT đưa ra hôm đầu tháng.

Về phần Bộ Tài Chánh cho hay, “Chúng tôi đang tham mưu cho Chính Phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ, hai năm khoảng 40.000 tỷ. Như vậy, nếu hỗ trợ 4% thì chúng ta có 1 triệu tỷ đưa vào nền kinh tế, sau đấy thì thúc đẩy, tạo việc làm, gia tăng sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào. Và đó là lý do ông Phước nói là “rất ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển”.

11/11: Khi ra trình bầy ở Quốc Hội Bộ trưởng KH&ĐT tư cho hay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế 2 năm (2022-2023) vào kỳ họp cuối năm. “Nếu lúc đó được Quốc hội thông qua thì sẽ thực hiện ngay đầu năm 2022 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra”. Trong dịp này Bộ KH&ĐT cũng không nhắc lại đề nghị 800 ngàn tỷ được báo Nhà Nước “tung hô” hôm đầu tháng.

Các diễn tiến về kế hoạch và ngân khoản kích cầu Kinh tế hậu đại dịch diễn ra giữa các Bộ, Ngành mỗi nơi một phách, khiến dân chúng cho rằng, so với các nước trong vùng, Khối Kinh Tế Tài Chánh trong Chính Phủ phản ứng chậm chạp, thiếu thống nhất về tầm nhìn khả thi, nên không thể điều phối được kế hoạch cho ăn khớp với nhau.

Các chuyên gia VNDIRECT ước tính rằng, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 chỉ ở mức khoảng 45% GDP (GDP được tính toán lại), thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Lập luận này đưa ra nhằm cổ võ cho việc tăng trần nợ công.


Thật ra ngay từ thời ông Hồ đức Phước còn là Tổng Thanh Tra Nhà Nước (2016-2021) đã căn cứ vào Luật Quản lý nợ công nói rằng,  nợ của Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) không coi là nợ công. Năm 2011, nợ của DNNN đã lên tới 62,1 tỷ Mỹ Kim, bằng 55% GDP. [1]

Tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai 18/10 dẫn báo cáo của chế độ Hà Nội khai rằng trong số 646 xí nghiệp quốc doanh lớn nhỏ “có tổng số lỗ lên tới 15,412 tỉ đồng” hay khoảng $662 triệu Mỹ kim. Theo đó “có tập đoàn, tổng công ty báo cáo lỗ hơn 1,000 tỷ đồng” hay khoảng 43 triệu Mỹ kim.

Khoản nợ của DNNN dù không tính vào nợ công trên giấy tờ, nhưng thực tế thì DNNN nợ nhiều, làm ăn thua lỗ sẽ khiến nhà tài trợ hay chủ nợ nhìn Việt Nam là nơi không có triển vọng trong kinh doanh, ảnh hưởng xấu trên hồ sơ vay nợ của Việt Nam.

Và vì thực tế thượng dẫn, nên Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ Đức Phước phải thẳng thắn thừa nhận “dư địa không còn nhiều” để tăng trần nợ công. [2] Bởi trong giai đoạn 2016-2020, dù chưa tính nợ của DNNN, tổng số vay của Chính phủ là hơn 1,8 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 dự kiến vay hơn 3 triệu tỷ, tức là gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước. Riêng năm 2021 nợ công khoảng 3,75 triệu tỷ, nợ Chính phủ 3,397 triệu tỷ.

Bộ Trưởng Phước bộc bạch thêm rằng, nợ công thuộc năm 2025 dự kiến gấp 1,6 lần so với năm 2020, như thế đến năm 2025 nợ công sẽ vào khoảng 45,6% GDP nhưng là GDP mới (*). “Nếu chúng ta tính theo GDP cũ thì sẽ ở mức 57,9%, tức là đã vượt ngưỡng 55%”. Đồng thời, ông Phước cho rằng nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 nếu đánh giá theo GDP cũ cũng vượt ngưỡng 45%.

Hôm 09/11, Tạp Chí Tài Chánh báo động rằng, trên thị trường hàng hóa, chỉ số lạm phát thấp không phải do mặt bằng giá cả thấp, mà là dân chúng không còn tiền để mua sắm trong thời gian dài thực hiện giãn cách ở nhiều tỉnh thành.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng – trong tháng Bảy -19,8%, tháng Tám -33,7%, tháng Chín -28,4% và tháng Mười -19,5% so với các tháng tương ứng năm ngoái.  Nhu cầu mua sắm giảm sút làm cho CPI chỉ ở mức 1,81% trong 10 tháng đầu năm nay, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Ngay từ tháng 12 năm 2020, cả nước đã có 32,1 triệu người thất nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2021, có tới 90 ngàn doanh nghiệp phá sản. Thực tế này đưa đến 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Tình trạng vật liệu mua vào tăng cao, công nhân không đủ, hàng bán ra ít người mua, vì dân chúng thiếu tiền . . . Nhiều công ty sản xuất hàng Tết không dám mượn vốn để tăng sản xuất.

Báo Nhà Nước nhìn nhận số người thất nghiệp hiện lên cao nhất trong 10 năm qua. Đồng thời thu nhập bình quân của người có việc làm cũng giảm sút khoảng 30% so với năm trước. [3]

Khảo sát mới nhất của Bộ Thương binh Xã hội cho hay, khoảng 1,3 triệu người bỏ thành về quê vừa qua, thì chỉ có 30% muốn quay lại Saigon và các Tỉnh phía Nam làm việc; còn lại khoảng 40% muốn có việc làm tại quê; 30% muốn kiếm việc ở nơi khác. Như thế các Doanh Nghiệp phía Nam mất 70% số công nhân trong lãnh vực sản xuất.


Nhìn vào tỷ lệ nghèo về thu nhập tại Việt Nam đã tăng từ 10% lên 33,4% vào tháng 8 năm 2021, đồng thời có tới 2/3 số hộ gia đình bị giảm thu nhập và hơn một nửa số hộ gia đình phải giảm lượng lương thực, trên 9 triệu người từng xin Nhà Nước cấp phát 130 ngàn tấn gạo cứu đói. . . Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước lại quay nhìn “chi Ngân Sách” cũng thấy u-tối, không có đường ra, nên ông thốt lên lời năn nỉ trước Quốc Hội “Rất mong các tỉnh, thành phố giàu hết sức thông cảm, bởi trung ương còn đang lo cho 47 tỉnh nghèo”.

Trường hợp tín dụng được Nhà Nước hỗ trợ lãi suất như tính toán của Bộ Tài Chánh, nhưng phần lớn trong khoản tín dụng đó lại “rò rỷ” sang các lãnh vực phi sản xuất, như Trung Tâm United Nations Development Programme (UNDP) đưa ra nhận định, Việt Nam đang có làn sóng chuyển dịch dòng vốn trong nước sang các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán trong khi vốn sản xuất kinh doanh vẫn thiếu hụt.[4]

Tình huống này rất dễ xẩy ra bong bóng trong Thị Trường Chứng Khoán và Bất Động sản.

Trần Nguyên Thao

12 Nov

Tham khảo:

(*) GDP của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 25% lên 9,1 triệu tỷ năm 2021 từ 6,3 triệu tỷ năm 2020, khiến các chỉ số gắn với GDP như nợ công, nợ chính phủ, bội chi… được nới rộng hơn nhiều so với các mức trần lúc trước. Dù GDP được tính lại tăng lên 25% chỉ trên số liệu, nhưng giá trị nền Kinh Tế không thay đổi.47

[1] https://www.diendan.org/viet-nam/no-cong-no-ngan-hang-cua-viet-nam-duoc-he-mo-(b)

[2] https://vnexpress.net/mong-cac-dia-phuong-giau-thong-cam-ve-ty-le-dieu-tiet-ngan-sach-4383584.html

[3] https://vietnambiz.vn/ty-le-that-nghiep-cao-nhat-trong-10-nam-qua-thu-nhap-thap-chua-tung-thay-20211012154713379.htm

[4] http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22753


No comments:

Post a Comment